1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cầu treo dân sinh phục vụ Chủ tịch xã: Tổng cục Đường bộ nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến dự án cầu treo Khe Tây ở Hà Tĩnh được xây dựng nhưng chỉ phục vụ Chủ tịch xã, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, ngày 12/8, 2 đoàn công tác của Tổng cục này từ Hà Nội vào hiện trường kiểm tra.

Theo ông Huyện, cầu treo Khe Tây trên địa bàn xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Cầu treo Khe Tây được xây dựng xong tháng 6/2015 với tổng kinh phí là 4 tỷ đổng.

Cầu treo dân sinh phục vụ Chủ tịch xã: Tổng cục Đường bộ nói gì? - 1

Cầu treo Khe Tây hiện tại

Sau khi cầu xây dựng xong, báo chí đã đăng tải phản ánh của nhân dân địa phương về việc cây cầu xây dựng tại vị trí  không phù hợp và không cần thiết với nhu cầu đi lại của người dân, đáng nói là cầu xây xong chỉ để phục vụ việc đi lại của nhà Chủ tịch xã  Sơn Thọ.

Về việc này, trao đổi với PV Dân trí, ông Huyện cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Trước yêu cầu làm rõ sự việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hôm nay 2 đoàn công tác của Tổng cục từ Hà Nội đã vào kiểm tra hiện trường cầu Khe Tây và khảo sát tình hình thực tế.

Trước đó, ngày 7/8, Tổng cục này đã có văn bản giải trình với Bộ GTVT do ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ký. Trong đó khẳng định, nội dung phản ánh trên báo chí là thiếu cơ sở và không chính xác.

Tổng cục Đường bộ lý giải, vị trí xây dựng cầu treo Khe Tây để phục vụ việc đi lại, sản xuất của cụm dân cư sinh sống dưới sườn núi Khe Tây thuộc thôn 6, xã Sơn Thọ. Vùng này bị bao bọc bởi 2 con suối Khe Tiên và Khe Trươi, nên vào mùa mưa lũ người dân sống ở 2 bên suối bị cô lập, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và học tập.

caukhetay2-21220

Ảnh vệ tinh chụp vị trí cầu Gãy và cầu Khe Tây

“Hiện tại có 26 hộ dân được hưởng lợi từ dự án cầu treo Khe Tây và theo quy hoạch Nông thôn mới của xã Sơn Thọ thì dân trong khu vực này sẽ tăng lên 42 hộ. Lưu lượng người đi lại qua cầu treo được tính toán là 500 lượt/ngày-đêm (theo biên bản giữa đơn vị Tư vấn thiết kế và chính quyền địa phương).” - ông Quyền cho hay.

Về cây cầu Gãy (cầu cũ) cách vị trí cầu mới Khe Tây 500m, theo ông Quyền đó là công trình thuộc tuyến đường chính Khe Ná - Chi Lời, không phải là đường đi vào cụm dân cư thôn 6. Việc kết nối giữa đường chính và cụm dân cư thôn 6 bị chia cắt bởi suối Khe Tiên nên bị cô lập vào mùa mưa lũ.

Ông Quyền khẳng định, việc xây dựng cầu dân sinh Khe Tây “hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí của Đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1906/ QĐ-BGTVT ngày 20/5/2014”.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí, những người dân  xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết họ không hề biết gì về cây cầu treo tiền tỷ này, cũng không có nhu cầu đi cây cầu này bởi họ vẫn đi qua cầu Gãy, có đường bê tông nối liền, rất thuận tiện.

Theo những hộ dân này, nếu muốn đi qua cây cầu mới xây dựng, họ phải vượt qua mấy con suối và quả đồi. Trong khi đó, lại có một lối đi khác đường trải bằng bê tông chạy thẳng ra cây cầu Gãy chỉ cách đó khoảng 500m, vì vậy họ đi cầu Gãy tiện hơn nhiều.

“Không lẽ chúng tôi lại vượt qua 2 cái khe, băng rừng để đi cầu treo? Trong khi đường bê tông dẫn ra cầu Gãy thì dễ đi hơn nhiều. Cầu Treo chỉ có vài hộ dân ngoài đó đi thôi”, một người dân nói.

Liên quan đến dự án cầu treo Khe Tây, tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng 10/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu phải làm rõ đúng sai và công bố công khai, minh bạch cho người dân biết.

Châu Như Quỳnh

 

Cầu treo dân sinh phục vụ Chủ tịch xã: Tổng cục Đường bộ nói gì? - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm