1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định

(Dân trí) - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương thuộc Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E, thuộc dự án với giá gói thầu 14.566.000 USD, nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt, là sai quy định của Chính phủ.


Trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải).

Theo kết luận thanh tra, dự án đóng mới 300 toa xe hàng đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định của Luật Đấu thầu.

Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương thuộc Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E, thuộc dự án với giá gói thầu 14.566.000 USD, nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt là sai quy định được nêu trong Nghị định số 85/2009 của Chính phủ.

Cơ quan thanh tra cho rằng, các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra và tháng 1/2015 chưa được quyết toán là sai quy định. Các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 - 2013 thì có tới 24/31 dự án chậm tiến độ; nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc đấu thầu các dự án hầu hết để chậm, không đăng tải các thông tin đấu thầu theo đúng quy định. Tại một số dự án, chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt. Dự án thay tà vẹt K1, K2 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu không căn cứ vào kết quả đấu thầu. Đây là việc làm thiếu minh bạch và trái quy định Luật Đấu thầu; các gói thầu chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không xử phạt nhà thầu theo cam kết hợp đồng.

Mua-bán ray đường sắt gây lãng phí ngân sách nhà nước

Về dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng vốn vay của Chính phủ Áo (gọi tắt là ray Áo), đến thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra, dự án đã thực hiện mua đợt 1 gần 8.000 thanh ray tương ứng gần 10.000 tấn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt giá bán để đưa vào sửa chữa, bảo trì đường sắt trên 34 triệu đồng/tấn, chênh cao bất thường so với các loại ray P50 khác trên thị trường có đủ điều kiện đưa vào sửa chữa bảo trì đường sắt tại thời điểm: Ray P50 của Nga giá bán 26,7 triệu đồng/tấn, ray P50 của Trung Quốc là 24,7 triệu đồng/tấn.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cần phải rà soát khi thẩm định và quyết định giao giá bảo trì và thanh quyết toán đúng quy định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần xem xét lại sự cần thiết tiếp tục thực hiện dự án này.

Kết luận cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao Công ty cổ phần Công trình đường sắt thực hiện việc ủy thác nhập khẩu và một số công việc khác với giá gói thầu 12,65 tỷ đồng nhưng không thông qua đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, sai quy định tại Điều 2 Luật Đấu thầu 2005; thanh toán cho Công ty cổ phần Công trình đường sắt gồm một số chi phí không hợp lý, không có hóa đơn chứng từ, không có trong định mức được cơ quan có thẩm quyền ban hành số tiền trên 2,9 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát điều chỉnh khi quyết toán đúng quy định.

Công ty cổ phần Công trình đường sắt không phải là chủ sở hữu vật tư ray Áo, chỉ là đơn vị được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao nhiệm vụ ủy thác nhập khẩu và một số nhiệm vụ khác nhưng lại xuất bán ray, xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty quản lý đường sắt là sai quy định tại Quyết định số 15/2006 của Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ phát hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ sở hữu của vật tư ray Áo nhưng không kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án; Công ty cổ phần Công trình đường sắt là đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu nhưng lại kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào như chủ sở hữu tài sản, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho bên ủy thác tương ứng số thuế giá trị gia tăng đầu vào trên 29,7 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Công trình Đường sắt xác định giá vốn hàng tồn kho bằng với giá bán ray Áo do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt dẫn đến hoạt động kinh doanh ray Áo của Công ty cổ phần Công trình Đường sắt không mang lại lợi nhuận, do đó không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải thực hiện với nhà nước. Tuy vậy, cơ quan thanh tra cho rằng, trong giá vốn hàng tồn kho ray Áo có các khoản chi phí không thuộc giá vốn nhưng được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt bổ sung vào giá vốn hàng tồn kho và không có chứng từ số tiền gần 45 tỷ đồng (lãi vay vốn trên 30 tỷ đồng, phí dịch vụ ngân hàng trên 1,4 tỷ đồng và chi phí lãi vay ngân hàng trả thuế 13,4 tỷ đồng).

“Như vậy, việc hạch toán giá vốn của dự án ray Áo tại Công ty cổ phần Công trình đường sắt là không đúng về chủ sở hữu của tài sản; giá vốn được xác định cũng không đúng giá trị, làm tăng giá vốn số tiền trên 48,4 tỷ đồng”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, thực tế không có dự án nào về đầu tư xây dựng, nâng cấp đường sắt của ngành giao thông sử dụng ray Áo có giá cao hơn nhiều so với các loại ray khác trên thị trường và toàn bộ ray Áo do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư đã nhập về chỉ dùng cho công tác duy tu sửa chữa đường sắt sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế từ ngân sách nhà nước chi trả do chính tổng công ty phê duyệt.

“Như vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định đầu tư dự án mua ray Áo và quyết định bán ray Áo cho công tác duy tu sửa chữa đường sắt thông qua các công ty quản lý đường sắt với giá cao bất thường, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Tính từ năm 2011 đến năm 2013 đã xuất bán 4.686 thanh chênh lệch so với giá thị trường đối với ray Nga 27,4 tỷ đồng, đối với ray Trung Quốc 33,1 tỷ đồng”- kết luận của Thanh tra Chính phủ vạch rõ.

Dân trí tiếp tục cập nhật.

Thế Kha