Tổng Bí thư: Thanh tra phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay CQĐT
(Dân trí) - Tổng Bí thư cho rằng công tác phòng chống tham nhũng là một lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp; ngành thanh tra phải kiên trì, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến rõ rệt. Thanh tra phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện tham nhũng và khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra.
Tại buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ sáng nay 16/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những khó khăn và biểu dương chúc mừng những thành tích mà ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ đạt được trong thời gian qua.
Tổng Bí thư yêu cầu ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất những vụ việc thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra nhiều vi phạm, tham nhũng.
Tổng Bí thư cho rằng công tác phòng chống tham nhũng là một lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp; ngành thanh tra phải kiên trì, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến rõ rệt. Thanh tra phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện tham nhũng và khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra. Đồng thời mở nhiều kênh thông tin hơn nữa để tiếp nhận các tin báo tố cáo tham nhũng, có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo Tổng Bí thư, năm 2015-2016 dự báo sẽ có rất nhiều đơn thư khiếu nại, đòi hỏi sự tinh tường, tài giỏi của cán bộ thanh tra để phát hiện những vụ việc nghiêm trọng. Chính vì thế trong công tác xây dựng nội bộ phải củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường đoàn kết thống nhất, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, những người làm công tác thanh tra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế chính sách và thể chế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đồng ý cho Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra, Luật Phòng chống tham nhũng. Ông hi vọng ngành thanh tra bước vào một giai đoạn phát triển mới không chỉ nhận các huân chương cao quý của Nhà nước mà còn là huân chương trong lòng dân.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Trong cho biết từ năm 2011-2014 toàn ngành đã triển khai trên 34.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 477.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 111.800 tỷ đồng và trên 18.700 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 27.500 tỷ đồng; xử lý khác trên 56.000 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 269 vụ.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành thanh tra đã phát hiện 412 vụ, 634 người có dấu hiệu tham nhũng với trên 740 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 587 cá nhân, xử lý trách nhiệm 98 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 153 vụ, 265 người.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết năm 2015 và trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra công tác phòng chống buôn lậu; thuế xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý mua sắm tài sản; quản lý sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị y tế và công trình y tế; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại một số doanh nghiệp và các chương trình mục tiêu; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và một số dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách nhà nước…
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; đề xuất những giải pháp đột phá bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác này. Đặc biệt, năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung cao độ cho việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần.
Thế Kha