Số vụ việc Thanh tra Chính phủ chuyển sang cơ quan điều tra còn ít
(Dân trí) - Theo nhận định, việc triển khai các cuộc thanh tra trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế như ban hành kết luận chậm so với quy định, một số cuộc thanh tra kéo dài, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra ít và tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao.
Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai các cuộc thanh tra năm 2015 đạt hiệu quả hơn.
Theo đánh giá tại hội thảo, kế hoạch thanh tra đã tập trung vào một số lĩnh vực quản lý có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động thanh tra được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Kết luận thanh tra tạo được sự đồng thuận của các cấp, ngành, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, việc triển khai các cuộc thanh tra cũng bộc lộ một số hạn chế: Nhiều cuộc thanh tra kết luận chậm so với quy định; một số cuộc thanh tra kéo dài; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra ít; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo các đại biểu, là do công tác xây dựng kế hoạch cho từng cuộc thanh tra còn nhiều hạn chế, nội dung thanh tra dàn trải; thành viên đoàn thanh tra được lựa chọn vẫn còn trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc thanh tra. Trong khi đó, một số trưởng đoàn thanh tra năng lực tổng hợp còn hạn chế hoặc phân công, bố trí phó đoàn, thành viên còn có nhiều bất cập… Đồng thời, phương pháp nghiệp vụ tiến hành thanh tra của một số thành viên còn yếu; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý ngay trong quá trình thanh tra chưa chủ động mà thường dồn vào giai đoạn xây dựng báo cáo kết luận thanh tra.
Để triển khai các cuộc thanh tra đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng công tác thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để quyết định thanh tra là hết sức quan trọng, giúp thanh tra có trọng tâm. Trong đó, người được giao nắm tình hình phải là người có năng lực, am hiểu về lĩnh vực dự kiến thanh tra và sẽ là thành phần chủ yếu, trụ cột đoàn thanh tra sau này. Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình trước khi quyết định thanh tra.
Bên cạnh đó, trưởng đoàn thanh tra vừa phải nắm chắc kế hoạch thanh tra và các vấn đề trọng tâm nhưng cần linh hoạt trong chỉ đạo khi phát sinh diễn biến mới. Khi kết thúc từng phần việc, đoàn thanh tra phải có biên bản làm việc với đối tượng thanh tra; biên bản trước khi ký phải thông qua trưởng đoàn thanh tra, tránh trường hợp nội dung ghi biên bản nhưng không kết luận được. Khi cần thiết xin ý kiến các bộ, ngành, đoàn thanh tra cần thực hiện song song trong quá trình thanh tra. Kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, có căn cứ pháp lý, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng…
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khắc phục được một số hạn chế trước đây. Tuy nhiên, công tác xử lý sau thanh tra chưa đạt kết quả cao, nếu không nói là chưa phát huy được hiệu quả hoạt động như kỳ vọng. Điều này thể hiện rõ nhất ở những con số thống kê: Năm 2012, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra tại Thanh tra Chính phủ đạt trên 70%; tại các điạ phương, bộ, ngành đạt thấp hơn khoảng 40%. Đến năm 2013, tỷ lệ thu hồi đạt lại giảm xuống còn khoảng 60% và năm 2014, tỷ lệ này là trên 69%.
“Một số kết luận thanh tra tính khả thi chưa cao, thiếu căn cứ; kiến nghị xử lý còn chung chung, chưa chỉ rõ được lỗi, cái sai của đối tượng thanh tra dẫn tới việc người ta không tâm phục khẩu phục, khi xử lý thu hồi không thu hồi được. Một vấn đề đáng ngại nữa là có hiện tượng chạy lỗi của đối tượng thanh tra, dẫn tới việc cơ quan quản lý không thực hiện kiên định kết luận thanh tra của mình, kể cả trong chỉ đạo điều hành các cuộc thanh tra. Từ việc chạy lỗi đó dẫn tới việc kiến nghị xử lý không khách quan”- ông Hạnh nói.
Thế Kha