1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tổng Bí thư: “Ra khỏi nhà, không có tiền là việc không… trôi”

(Dân trí) - “Tham nhũng lớn có, tham nhũng vặt cũng nhiều. Chỉ ra khỏi nhà đã thấy cái gì cũng cần tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát về quốc nạn trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 27/9.

Bắt đầu hoạt động tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu thuộc tổ bầu cử số 1 TP Hà Nội gặp gỡ bà con quận Ba Đình.

Đảng rút kinh nghiệm việc lấy phiếu tín nhiệm
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình tại cuộc họp chiều 27/9.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình tại cuộc họp chiều 27/9.

Đánh giá kết quả kỳ họp trước của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Diệp (cử tri phường Đội Cấn) quan tâm nhiều vấn đề lấy phiếu tín nhiệm. Theo bà Diệp, đây là một bước tiến, một thành tựu trong quá trình thực hiện dân chủ hóa đất nước. Kết quả thể hiện qua lần lấy phiếu đầu tiên tại Quốc hội và HĐND các cấp, bà Diệp đánh giá “đã đạt hiệu quả bước đầu”. Đại biểu ghi nhận việc những người cầm lá phiếu đánh giá đã chứng tỏ việc theo dõi sát sao hoạt động của các vị lãnh đạo, làm những người chỉ đạt tín nhiệm thấp vừa qua phải xem lại mình, nỗ lực phấn đấu hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng (cử tri phường Kim Mã) đề nghị thay đổi quy trình, đưa nội dung lấy phiếu tín nhiệm ra sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ông Dũng phân tích, khi trả lời chất vấn, có Bộ trưởng rất cầu thị, thẳng thắn, đi vào đúng trọng tâm vấn đề đang được truy vấn nhưng cũng nhiều vị thể hiện thái độ không tích cực, lảng tránh, nói trên trời dưới biển.

Theo ông Dũng, những diễn biến tại phiên chất vấn cũng là một kênh giúp đại biểu nào còn lưỡng lự giữa việc đánh giá tín nhiệm hay không tín nhiệm có “nút chốt” cuối cùng để chấm điểm.

Ngoài ra, thêm tiêu chí đánh giá từ chất vấn, sợ ảnh hưởng đến phiếu tín nhiệm, các Bộ trưởng cũng sẽ trách nhiệm, cẩn trọng hơn trong trả lời.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (cử tri phường Quan Thánh) đưa ra những kiến giải khác. Ghi nhận việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu với 3 mức đánh giá tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp đã giúp động viên kịp thời người làm tốt, nhắc nhở nghiêm khắc những chức danh đang để mất uy tín nhưng ông Sơn không thỏa mãn với kết quả mức tín nhiệm cao phần lớn nằm ở các chức danh đứng đầu Quốc hội, HĐND; còn tín nhiệm thấp lại rơi vào những người trực tiếp điều hành, lăn lộn với những vấn đề đau đầu, va chạm nhất.

Cử tri cho rằng, việc đánh giá như vậy chưa phản ánh đầy đủ về năng lực quản lý điều hành lĩnh vực cũng như đạo đức, trách nhiệm của người được lấy phiếu.

Về mức đánh giá tín nhiệm, đại biểu nêu quan điểm chỉ nên áp dụng 2 cấp độ tín nhiệm và không tín nhiệm khi bỏ phiếu. Trường hợp người có số phiếu không tín nhiệm trên 50% thì xử lý ngay.

Với những bất cập cần tìm hướng khắc phục đó, ông Sơn đề nghị chưa nên mở rộng hay thu hẹp diện đối tượng lấy phiếu tín nhiệm mà làm thêm một kỳ nữa để xem xét mức độ thực chất của hoạt động này. Định kỳ lấy phiếu cũng nên “nới” ở khoảng cách 2 năm một lần.

Đáp lại những chia sẻ, đề xuất này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh lại đánh giá chung về lần đầu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trên phạm vi cả nước mà Quốc hội, dư luận cử tri đã đưa ra là “bước đầu có tác dụng tốt”. Tổng Bí thư lưu ý mục đích lấy phiếu là để nhắc nhở, răn đe cán bộ, “chứ không phải để thanh trừng, thay người này, bỏ người kia”.

Với những ý kiến khác nhau, Tổng Bí thư cho là việc bình thường đối với một vấn đề mới, khó mà thực tế chưa thực hiện bao giờ, thậm chí trên thế giới cũng chưa có nơi nào làm như Việt Nam. Các kiến nghị thay đổi, Tổng Bí thư khẳng định sẽ lắng nghe, tiếp thu để điều chỉnh cho hoạt động lấy phiếu mang lại hiệu quả cao hơn.

“Không chỉ ở Quốc hội, HĐND, cả bên Đảng cũng sẽ rút kinh nghiệm về việc này vì nếu không cẩn thận, đúng như cử tri Sơn nói, để người “xung trận” nhận phiếu thấp thì cũng như khuyến khích người không làm, người chỉ nhăm nhe “ém quân”, giữ thế” - Tổng Bí thư phát biểu.

Ai cũng chỉ mặt được tham nhũng, nhưng…

Chuyển sang câu chuyện cuộc chiến phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh (Giảng Võ) khái quát, gần đây dư luận bức xúc nhiều vì liên tiếp các vụ việc từ ăn bớt vaccine, “nhân bản” xét nghiệm, “nhân bản” nhà tình nghĩa, bòn rút lương, chế độ của người lao động… Những biểu hiện này làm lãnh đạo nhà nước cũng phải nóng ruột. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan than “càng đi càng thấy buồn vì người ta ăn của dân không từ một cái gì”, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thốt lên “người ta chơi chỗ này, ăn nhà hàng kia, chạy chức này chức kia, tiền đó không phải tham nhũng thì ở đâu ra”.

Không đồng tính với nhận định về kết quả “đẩy lùi một bước tham nhũng”, ông Thịnh khẳng định, cử tri cảm nhận tham nhũng chưa giảm mà còn phức tạp hơn, từ chỗ là những con sâu đơn lẻ đục khoét xã hội giờ đã trở thành những con sâu đầy quyền lực trong liên kết vì lợi ích nhóm, trở thành những con bạch tuộc bám sâu vòi vào các cơ quan nhà nước, khiến người dân không dám đương đầu, đấu tranh nữa.
 
Đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh: Không loại tội phạm nào mà án treo nhiều như tội tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh: "Không loại tội phạm nào mà án treo nhiều như tội tham nhũng".

Không phủ nhận nỗ lực thực hiện mỗi năm hàng chục nghìn cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng kết quả, theo cử tri, chủ yếu chỉ dừng ở mức khiển trách, nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình, cùng lắm là nhắc nhở, cảnh cáo. Thanh tra phát hiện, yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng sai phạm nhưng không mấy vụ xử lý hình sự, có xử thì cũng toàn án treo.

“Tôi thấy không có loại tội phạm nào mà án treo nhiều như tội tham nhũng, rõ là giơ thì cao nhưng đánh lại khẽ. Vì thế mà đến Chủ tịch Quốc hội cũng phải đặt câu hỏi hay tham nhũng đã len lỏi vào ruột cơ quan chống tham nhũng” - đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh bức xúc.

Sức ì lớn nên dù nhiều đại biểu Quốc hội đã sát sao, có thể kể ngay trụ sở tỉnh ủy nào lộng lẫy như lâu đài, cục trưởng nào đi xe sang trọng vượt mặt bộ trưởng, tòa biệt thự triệu đô nổi tiếng dư luận là của quan chức nào… vẫn không “ăn thua”. Nói về chủ trương đầu tư sai gây lãng phí, Bộ trưởng KH-ĐT không cần sổ sách, giấy tờ vẫn kể được chi ly là những dự án, công trình nào sai, ai quyết định. Các cấp, ngành cũng có nhiều biện pháp, sáng kiến chống tham nhũng. Mới đây Thủ tướng đã quyết định đưa chương trình phòng chống tham nhũng vào dạy trong trường học, hi vọng có thêm lực lượng rất trẻ khỏe tham gia cuộc chiến.

Ông Thịnh trào phúng: “Cử tri nghe những việc đó mát lòng mát dạ lắm. Nhưng đi tập thể dục sáng, các cụ nói chuyện với nhau mới thấy hình như năm ngoái người ta cũng nói vậy. Quả thật chuyển biến mang lại ít lắm trong khi con bạch tuộc tham nhũng ngày càng khỏe, càng mạnh, đe dọa cả đại biểu Quốc hội”.

Vị cử tri này kiến nghị, trong cả rừng biện pháp đưa ra, cần ưu tiên tập trung vào nhóm biện pháp làm trong sạch cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu cũng như chính bộ máy chống tham nhũng vì theo đại biểu, ông cha đã đúc kết “nước sạch từ nguồn”.

Đại biểu Nghiêm Chính Hợp (Ngọc Khánh) đi vào nghi vấn cụ thể là dự án cầu Nhật Tân. Công trình đáng ra phải xong từ năm ngoái nhưng đến giờ vẫn chậm, tắc vì vướng giải phóng mặt bằng, vì kìm mức bồi thường cho người dân quá thấp, mỗi lần “xỉn” ra một chút, lúc 3 triệu đồng, lúc 4 triệu đồng/m2. Mới đây, khi thành phố Hà Nội vào cuộc, quyết mức đền bù cho dân cao nhất 23 triệu đồng/m2, thấp nhất cũng được 17 triệu, việc đã thông. Điều đó, ông Hợp cho rằng nguyên nhân không phải vì thiếu tiền mà vì những chi phối của lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận, hiện nay, ai cũng có thể nói về tham nhũng lãng phí với sự sốt ruột, bức xúc. Quốc nạn có từ lâu, do quản lý không chặt khiến cán bộ dễ sinh ra hư hỏng.

Mô tả về thực trạng tham nhũng, Tổng Bí thư diễn tả, chỉ từ nhà đi ra đã thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt với cuộc sống. “Tham nhũng lớn có mà tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân phải va chạm khó chịu như ngứa ghẻ” – Tổng Bí thư chia sẻ.

Về “nghi án” cơ quan chống tham nhũng cũng tham nhũng, Tổng Bí thư diễn giải là có băn khoăn về việc xử lý tội phạm tham nhũng, trong quá trình điều tra, giám định, truy tố. Một vụ việc bị phát hiện, theo người đứng đầu Đảng, không cẩn thận thì quá trình xử lý “dễ bị làm méo mó, có thể có làm giá, bôi trơn để được đổi tội, gỡ tội”. Để chặn tình trạng này, Tổng Bí thư cho biết, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ đã nêu định hướng phải giám sát, báo cáo thường xuyên về án tham nhũng lớn.

“Đúng như đại biểu nói, việc cần hiện giờ là làm sao cho cán bộ công chức, người đứng đầu trong sạch. Đây là cuộc đấu tranh cam go, xin bà con kiên trì và có niềm tin chứ sốt ruột quá cũng không tốt” – Tổng Bí thư kết lại nội dung phát biểu.

P.Thảo