Tổng Bí thư nói về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới
(Dân trí) - Nói về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động cán bộ.
Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 2/10.
Theo Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu quan trọng
Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 8 bàn thảo là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Nói về việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".
Theo Tổng Bí thư, Đảng luôn xác định cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ.
"Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ", theo lời Tổng Bí thư.
Từ tầm quan trọng đặc biệt của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.
Trong kế hoạch này xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu, đối tượng và độ tuổi, quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự, số lượng phát hiện và giới thiệu đưa vào quy hoạch...
Tổng Bí thư cho biết trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV đã rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Nội dung này được trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 8.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến đối với Tờ trình và dự kiến Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Vẫn còn một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai
Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023-2024 tại Hội nghị lần thứ 8, theo Tổng Bí thư, được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ.
Tổng Bí thư cho rằng cần chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024. Ngoài ra, Tổng Bí thư lưu ý cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Tổng Bí thư lưu ý những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19.
Hạn chế khác được người đứng đầu Đảng chỉ ra là một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...
Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát hợp với tình hình và cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết mới.
Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm nghèo
Liên quan nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội, Tổng Bí thư đánh giá trong 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ.
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tổng Bí thư nhận định các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ, mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân; thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công.
Bên cạnh đó, thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm; hệ thống y tế, giáo dục, an sinh, trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Quy mô, năng lực, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được nâng lên.
Đặc biệt, người đứng đầu Đảng nhấn mạnh nguồn lực thực hiện chính sách xã hội được Nhà nước ưu tiên đầu tư, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia của toàn xã hội...
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Trung ương cần tập trung thảo luận, làm rõ tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết, đúng đắn việc ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan trọng này.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là việc làm cần thiết để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện tình hình.
Đó sẽ là căn cứ đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.
"Trung ương cần tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong mọi tình huống", theo yêu cầu của Tổng Bí thư.