1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng Bí thư: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc

(Dân trí) - Trình bày báo cáo về các văn kiện tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đổi mới đã nâng tầm vóc và ý nghĩa cách mạng. Nhìn tổng thể 30 năm đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu cơ bản nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục... Đề cập lĩnh vực quốc phòng an ninh, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đổi mới đã nâng tầm vóc và ý nghĩa Cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đổi mới đã nâng tầm vóc và ý nghĩa Cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đổi mới đã nâng tầm vóc và ý nghĩa Cách mạng.

 

10h14’, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương Đảng khóa XI.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương Đảng khóa XI.

 

Năm năm qua, cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng khóa XI trong bối cảnh nhiều khó khăn của kinh tế thế giới, trong nước, tình hình diễn biến bất lợi trên Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Ban chấp hành Trung ương đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu cơ bản nhưng cũng còn nhiều tồn tại, khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục.

Về sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, ưu điểm được xác định là ngay sau Đại hội XI, Ban Chấp hành đã quán triệt tư tưởng đến các Đảng viên, chi bộ Đảng. Chương trình làm việc toàn khóa xác định 24 vấn đề ưu tiên thực hiện, đồng thời cập nhật nhiều chủ trương, định hướng mới trong quá trình hoạt động.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, lạm phát tăng cao, Ban Chấp hành Trung ương đã nhận định đúng tình hình, điều chỉnh mục tiêu như xác định 3 khâu đột phá chiến lược, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố an sinh xã hội. Mục tiêu này được kiên trì thực hiện trong suốt cả nhiệm kỳ, đưa cả nước từng bước vượt qua khó khăn, phát triển vững chắc.

 


Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương Đảng khóa XI.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương Đảng khóa XI.

 

Trung ương Đảng đã xem xét những dự án đầu tư lớn như Dự án sân bay quốc tế Long Thành, quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm. Trung ương ban hành chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, xác định rõ việc phát triển quốc phòng an ninh trong tình hình mới. Trước những diễn biến phức tạp trong nước và trong khu vực, nhất là về Biển Đông, Trung ương Đảng đã điều chỉnh chiến lược đối ngoại, chỉ định hoàn thành nhiều Hiệp định thương mại tự do, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Các Nghị quyết về xây dựng Đảng được ông Lê Hồng Anh điểm lại như quy chế về những điều Đảng viên không được làm, lấy phiếu tín nhiệm… đã góp phần nâng cao chất lượng Đảng viên và hoạt động điều hành của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 được nhắc đến như một điểm đột phá trong công tác xây dựng nội bộ Đảng trong sạch, đoàn kết, vững mạnh.

Thường trực Ban Bí thư nói về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều nội dung mới được chuẩn bị với phương hướng nhân sự trình theo quy trình đổi mới, thực hiện theo đúng nguyên tắc dân chủ, chặc chẽ để tạo sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Một số nội dung phát sinh chưa được bàn thấu đáo liên quan đến phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và một số vấn đề dư luận quan tâm - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thẳng thắn chỉ ra. Trong đó có việc chưa dự báo hết tình hình khó khăn phức tạp khi đất nước tham gia hội nhập sâu rộng, ký kết các hiệp ước quốc tế, tình hình diễn biến trên biển… Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Theo ông Lê Hồng Anh, hầu hết các ủy viên Trung ương đều có uy tín cao tại cơ quan, đơn vị mình làm việc…

Về khuyết điểm, ông Lê Hồng Anh cho rằng, một số cán bộ Đảng viên chưa chủ động báo cáo Trung ương những vấn đề phát sinh ở ngành, lĩnh vực, địa phương, một số ít chưa hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình, một số chưa gương mẫu hoặc để vợ con, gia đình ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Về hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Lê Hồng Anh nhận định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã có sự lãnh đạo linh hoạt, chủ động trong tình hình khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, lạm phát tăng cao.

Ban Bí thư ban hành quy định về việc thực hiện đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong việc tổ chức lễ hội, đi công tá nước ngoài, tổ chức việc cưới, việc tang…

Về lãnh đạo chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Bộ Chính trị đã đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với quân đội, công an, thực hiện trang bị vũ khí cho một số quân binh chủng như Hải quân, Pháo binh… Chỉ đạo hoàn thành việc phân giới cắm mốc với Campuchia, tăng dày mốc biên giới với Lào, giữ vững độc lập chủ quyền trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Khi xảy ra một số sự việc gây rối, phá hoại đối với DN nước ngoài, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời chỉ đạo xử lý, ổn định tình hình, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về hoạt động đối ngoại, tăng cường ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng cũng như đối ngoại nhân dân đồng thời chấn chỉnh hoạt động của các đoàn công tác nước ngoài. Thường trực Ban Bí thư điểm lại một loạt hoạt động đối ngoại lớn mà Việt nam chủ trì tổ chức trong năm.

Về công tác phòng chống tham nhũng, ông Lê Hồng Anh khái quát nhiều vụ án lớn đã được chỉ đạo xử lý, xét xử kịp thời, nghiêm minh; các cơ chế về kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ cũng được chỉ đạo xây dựng.

Bộ Chính trị đã nhiều lần cho ý kiến về Đề án quy hoạch quản lý báo chí, trình Trung ương cho ý kiến trước khi kết luận. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, nhất là trước các sự kiện lớn của đất nước. Đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, chấn chỉnh sai phạm của một số cơ quan báo chí truyền thông, xử lý những thông tin xấu sai lệch trên Internet, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Việc thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên thuộc cấp ủy trong các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị mang lại kết quả tích cực.

Về công tác luân chuyển cán bộ, Thường trực Ban Bí thư đánh giá, đã thực hiện được chiến lược quy hoạch cán bộ theo kế hoạch, xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho khóa mới. Chỉ thị về bảo vệ chính trị nội bộ dẫn đến thành lập Tiểu ban bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị.

Tuy nhiên việc quản lý thông tin trên mạng xã hội, các trang blog cá nhân chưa hiệu quả. Bảo vệ an ninh thông tin văn hóa, bí mật nội bộ của Đảng một số nơi còn sơ hở.

Thường trực Ban Bí thư tóm lại, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã hoạt động theo đúng kế hoạch toàn khóa, theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nhiều quyết định được thống nhất cao. Việc điều hành Ban Chấp hành Trung ương đã đổi mới theo hướng đề cao hơn trách nhiệm của Tổng Bí thư, của các ủy viên Bộ Chính trị.

Về hạn chế, phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền chưa rõ nhưng chậm được xác định. Việc tổ chức các Hội nghị Trung ương chưa được đổi mới, hiệu quả thực hiện Nghị quyết chưa cao vì có quá nhiều Nghị quyết, văn bản.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, đề cao trách nhiệm tập thể đồng thời phát huy được vai trò cá nhân đối với các ủy viên Bộ Chính trị được giao nhiệm vụ cụ thể. Giữa 2 kỳ Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị thường xuyên liên lạc, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là còn ít chỉ đạo kiểm tra các nội dung chỉ định đưa ra Trung ương thảo luận, chưa phát huy tốt vai trò tham mưu của các Ban, Bộ, ngành Trung ương nên kết quả hoạt động còn hạn chế.

Đánh giá chung nhiệm kỳ qua, ông Lê Hồng Anh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp, Trung ương Đảng đã đưa ra các quyết sách đúng, phù hợp, giải quyết được nhiều quyết sách về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trọng tâm chỉ đạo điều hành được kịp thời điều chỉnh để nền kinh tế vượt qua khó khăn, dần ổn định, vững chắc, tăng trưởng đạt khá, năm sau cao hơn năm trước…

Việc ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức của một bộ phận không nhỏ Đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra. Phòng chống tham nhũng vẫn còn chậm chuyển biến… là những tồn tại một lần nữa được nhắc đến trong báo cáo kiểm điểm của Thường trực Ban Bí thư.

“Trung ương nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình trước toàn dân về những thiếu sót, khuyết điểm này” – ông Lê Hồng Anh nói.

10h13’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn tới toàn bộ bạn bè quốc tế đã dành sự quan tâm cho Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định lại chủ trương của Đảng là hợp tác, làm bạn với mọi chính đảng trên thế giới.

 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành Đại hội trong buổi sáng khai mạc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành Đại hội trong buổi sáng khai mạc

 

10h, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thông báo về điện mừng của các tổ chức quốc tế. Đến thời điểm này, Đại hội đã nhận được 170 điện mừng từ 123 Đảng, nhiều tổ chức quốc tế và bạn bè anh em trên toàn thế giới gửi đến.

Trong đó, điện mừng từ các Đảng cộng sản cầm quyền và các Đảng cầm quyền của các nước anh em, bạn bè truyền thống gồm có: Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Lao động Triều Tiên, Đảng Cộng sản Cuba…

Từ các Đảng cộng sản khác có hơn 100 Đảng, trong đó có 27 Đảng tại các nước Châu Á, 40 Đảng từ các nước Châu Âu, hơn 20 Đảng từ Châu Mỹ và hơn 20 Đảng từ Châu Phi.

Ngoài ra, còn có rất nhiều điện mừng từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức hữu nghị trên toàn thế giới, các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam.

8h29’, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu trình bày báo cáo về các văn kiện của Đại hội Đảng.

Tổng Bí thư cho biết, Ban chấp hành Trung ương đã gửi các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng để xin ý kiến các Đảng viên, Quốc hội, các tầng lớp nhân dân từ nửa năm qua.

Các báo cáo đã trình bày đầy đủ, toàn diện các vấn đề. Tổng Bí thư điểm lại 6 nội dung lớn đã thể hiện.

Phần một - “Vững bước trên con đường đổi mới”.

Tổng Bí thư nêu rõ bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng lần này. Cả nước vừa trải qua 5 năm khó khăn với nhiều biến động tiêu cực của kinh tế đất nước cũng như kinh tế toàn cầu. Vượt qua những thách thức đó, hoạt động điều hành đất nước đã đạt được những thành quả quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng từng bước phục hồi, chính trị xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại và hội nhập ngày càng mở rộng, vững chắc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc ngày càng phát huy.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng việc đổi mới chưa đồng bộ và trọn vẹn. Mục tiêu đến 2020 cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại không đạt được, đời sống của người dân ở nhiều khu vực còn khó khăn, tình trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ Đảng viên, tình trạng quan liêu tham nhũng chưa được đẩy lùi…

 

Tổng Bí thư: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc - 4

 

Người đứng đầu Đảng nhắc lại, đổi mới nâng tầm vóc và ý nghĩa cách mạng. Vì mục tiêu công bằng, dân chủ công bằng, văn minh, nhìn tổng thể 30 năm đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu cơ bản nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Khẳng định con đường đổi mới là đúng đắn, định hướng đi lên XHCN là phù hợp xu thế, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, yêu cầu tiếp tục thay đổi cần phải đề cao hơn, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Quan hệ giữa đổi mới - ổn định và phát triển được Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thời gian tới, Tổng Bí thư nhận định, tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa. Xu hướng hội nhập vẫn là phổ biến. Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO. Thời cơ vận hội mở ra rất lớn nhưng cũng còn nhiều thách thức. Nguy cơ tụt hậu, diễn biến hòa bình, suy thoái về đạo đức chính trị lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… vẫn hiện hữu.

Phần hai – “Phát triển nhanh, bền vững, đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại”

Tổng Bí thư nhắc lại việc mục tiêu năm 2020 cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thực hiện được nhưng phải sớm thực hiện cho được mục tiêu này. Cần đẩy mạnh quá trình này theo hướng kết hợp giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, cân bằng giữa phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh, thực hiện an sinh xã hội.

Cơ cấu lại tổng thế thể chế kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, từng bước cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân sách, cơ cấu đầu tư công gắn với kiểm soát nợ công, cơ cấu lại DNNN...

Tập trung xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia, có lộ trình riêng cho từng giai đoạn, phát triển công nghiệp công nghệ cao, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Với nông nghiệp, tiếp tục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, tích tụ, tập trung ruộng đất. Lĩnh vực dịch vụ, Tổng Bí thư chỉ rõ, yêu cầu là cần đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.

Tổng Bí thư nhắc đến chiến lược phát triển giáo dục với quan điểm tăng sự chủ động của người học, đổi mới cơ chế tài chính để phấn đấu tới 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, để nền kinh tế tri thức trở thành quốc sách hàng đầu. Việc phát triển ứng dụng khoa học công nghệ làm sao phải giải phóng sức sáng tạo, tăng cường liên kết về công nghệ cao, coi đây là hướng ưu tiên trong hợp tác quốc tế để Việt Nam trở thành đất nước ứng dụng khoa học hàng đầu trong ASEAN.

 


Các đại biểu là lão thành cách mạng tham dự lễ khai mạc Đại hội.

Các đại biểu là lão thành cách mạng tham dự lễ khai mạc Đại hội.

Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam theo hướng dân chủ nhân văn, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Mục tiêu đặt ra, theo Tổng Bí thư, con người Việt Nam phải phát triển hài hòa về tri thức, đạo đức, có văn hóa. Mọi hoạt động, giá trị phải xuất phát từ văn hóa và hòa trộn đồng nhất với văn hóa.

Nội dung về quản lý phát triển xã hội, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng nêu mục tiêu khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu nghèo trong xã hội, khắc phục khống chế phòng ngừa những rủi ro xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông. Đảm bảo để nhân dân hưởng thụ tốt hơn những thành quả của quá trình đổi mới, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, hướng tới bình đẳng giới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Phần ba - "Bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình; tích cực hội nhập quốc tế"

Mục tiêu của Quốc phòng an ninh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là bảo vệ đất nước, bảo vệ tuyệt đối chế độ, bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với an ninh, quốc phòng an ninh và đối ngoại, xây dựng thế trận lòng dân, từng bước hiện đại hóa quân đội, ưu tiên trước hết một số quân, binh chủng. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại với yêu cầu là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược, chủ động tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương, nhất là tại ASEAN và Liên hợp quốc.

Phần bốn – “Phát huy đại đoàn kết dân tộc”

Tổng Bí thư nhắc việc chú trọng xây dựng dân chủ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ hoặc xâm phạm dân chủ của nhân dân.


Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội.

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội.

Phần năm – “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng”

Tổng Bí thư đánh giá, thời gian qua Đảng đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gơp phần cảnh tỉnh, cảnh báo và từng bước răn đe, phòng ngừa tiêu cực. Việc đó đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, khắc phục một số hạn chế trong công tác nhân sự. Nhiều cán bộ quản lý các cấp đã chú trọng nâng cao tinh thần lãnh đạo, nghiêm khắc với mình hơn, tự chỉnh lại hành vi, lối sống của mình và người thân. Bước đầu kiềm chế được tham nhũng, lãng phí. Một số vụ án đã được đưa ra xét xử được người dân và dư luận đồng tình ủng hộ. Quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đã giúp đất nước bước đầu vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, còn nhiều việc chưa đạt được mục tiêu đề ra như việc tự phê bình và phê bình còn hình thức, nể nang, chưa làm rõ được việc xảy ra khuyết điểm là ở đâu, do ai chịu trách nhiệm. Tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân cả nước. Một số biểu hiện lợi ích nhóm có xu hướng phức tạp hơn.

Công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều hạn chế khuyết điểm như việc hoạch định kế hoạch của Đảng chưa kịp thời, hiệu quả, chất lượng sinh hoạt Đảng còn yếu, nhiều tầng nấc, hiệu quả chưa cao.

Trong những năm tới, yêu cầu nặng nề của quá trình phát triển đòi hỏi cá nhân lãnh đạo quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải từng bước sửa chữa yếu kém. Phải kiên định chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định XHCN, không dao động trong bất cứ tình huống nào, phát huy sự tiên phong, gương mẫu của Đảng viên.

Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề tạo sự thống nhất cao trong Đảng, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định phát triển.Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, ngăn ngừa sự lạm quyền.

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; chủ động phòng ngừa không để xảy ra tham nhũng lãng phí, ngăn chặn hành vi can thiệp, bao che cho tham nhũng lãng phí, cản trở việc xử lý tham nhũng.

Phần sáu – “Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII”

Tổng Bí thư nhắc đầu tiên đến nhiệm vụ xây dựng Đảng. Phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được nhấn mạnh là một nhiệm vụ trọng tâm. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Phát huy sức sáng tạo của người dân, giải quyết những vấn đề bức thiết, bảo đảm an ninh xã hội, an toàn của con người. Phát huy nhân tố con người trong mọi mặt của xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Đại hội XII là Đại hội của đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, Tổng Bí thư cho rằng, 5 năm đổi mới của Đại hội XI là nền tảng, là nguồn sức mạnh của Đảng để tiếp bước vững chắc, xây dựng thành công đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tổng Bí thư: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc - 7
Tổng Bí thư: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc - 8

8h25’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn trân trọng tới sự quan tâm của toàn dân, toàn quân tới Đại hội Đảng cũng như cảm ơn quân, dân Thủ đô đã nỗ lực xây dựng một Thủ đô hòa bình, trái tim thân yêu của cả nước – nơi trang trọng diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XII. 

 

 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành đại hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành đại hội

 

8h20’, đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội thay mặt cả nước chào mừng các đại biểu toàn quốc đến dự Đại hội. Các đại biểu tiến lên lễ đài cùng đoàn quân nhạc để chào mừng đại hội.

8h19’, Chủ tịch nước long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Sau lễ chào cờ, Đoàn Chủ tịch và Đoàn thư ký đại hội được mời lên vị trí làm việc. Đoàn Chủ tịch gồm các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI.

8h11’, Chủ tịch nước chào mừng hơn 1.500 Đảng viên ưu tú của Đảng đại diện cho hơn 4,5 triệu Đảng viên tham dự Đại hội lần thứ XII.

“Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi Đảng viên cần thực sự thấm nhuần tư tưởng cách mạng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân” – Chủ tịch nước nói. Thay mặt Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành lời tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo tiền bối và tất cả những người dân đã ngã xuống cho sự nghiệp cách mạng đến hôm nay.

Điểm lại quá trình 30 năm đổi mới, Chủ tịch nước nêu rõ, Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI để tiến hành công cuộc đổi mới, đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đây phải là những người có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ để lãnh đạo đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần xây dựng Đảng trong sạch, đoàn kết, vững mạnh để hướng tới mục tiêu bảo vệ vững chắc thể chế, đất nước, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XII

 

8h10’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc Đại hội.

Thủ tướng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

8h3’, Dự lễ khai mạc, theo giới thiệu của ông Lê Hồng Anh, có sự tham dự của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tích nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Ngoài ra còn các đồng chí nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch nước và các đồng chí ủy viên UB Kiểm tra Trung ương khóa XI tới dự.

Dự lễ khai mạc cũng có đại diện nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các chức sắc tôn giáo, đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Đến dự lễ khai mạc cũng có các vị đại sứ, đại biện các nước, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội.

Ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư giới thiệu đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XII.

 

Đúng 8h, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái mời các đại biểu đứng dậy làm lễ chào cờ. Quốc ca và Đảng ca lần lượt vang lên tại hội trường. Hơn 1.500 đại biểu trang nghiêm hướng lên bục lễ đài.

Nhóm phóng viên