1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh:

“Tôi tự thấy mình rất yếu nên luôn cố gắng phấn đấu điểm trung bình”

(Dân trí) - “Tôi tự cho mình rất yếu nên luôn cố gắng phấn đấu để đạt điểm trung bình. Bởi vì tôi chưa làm tròn trách nhiệm, chưa nói hết được tiếng nói của cử tri. Nguyên nhân là do thời lượng, ngay kể cả các lần chất vấn cũng chưa đến cùng được”, đại biểu Trần Ngọc Vinh trăn trở.

Ngày 28/3, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho biết, sắp tới có khoảng 2/3 đại biểu phải nghỉ, trong đó không ít người có sức khỏe tốt, có bản lĩnh, được nhân dân tín nhiệm. Điều này gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vây, theo ông Vinh tiêu chí đại biểu Quốc hội không nên áp dụng cứng nhắc như cán bộ hành chính mà phải đặt chất lượng lên hành đầu.

Tại tổ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải có đánh giá chất lượng từng đại biểu sau nhiệm kỳ. Qua đó để cử tri thấy rõ qua 5 năm, từng đại biểu làm được gì, truyền đạt ý chí và nguyện vọng của cử tri như thế nào? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực tế kể cả đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương bây giờ, có bộ phận làm tốt nhưng cũng có bộ phận làm chưa tốt. Thế nhưng chúng ta có dám đánh giá bao nhiêu phần trăm đại biểu làm tốt hay không? Trong số đó ai dám nói thẳng, nói thật, dám nói trên nghị trường?


Đại biểu Trần Ngọc Vinh tự nhận mình rất yếu. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh tự nhận mình "rất yếu". (Ảnh: Việt Hưng)

Nếu đưa ra thang điểm 10, trong 5 năm hoạt động ở nghị trường, ông nhận mình được bao nhiêu điểm?

Tôi tự cho mình rất yếu! Tôi cố gắng phấn đấu điểm trung bình. Bởi vì tôi chưa nói hết được tiếng nói của cử tri, chưa nói được một số vấn đề còn bất cập. Nguyên nhân là do thời lượng, ngay kể cả các lần chất vấn cũng chưa đến cùng được, vì thời gian chỉ cho phép thế thôi. Tôi thấy thế là mình chưa làm tròn trách nhiệm.

Quốc hội khóa XIII cho thấy có nhiều đại biểu rất năng nổ phát biểu trước nghị trường, tuy nhiên cũng không ít đại biểu không dám nói, không dám đeo bám vấn đề đến cùng?

Cái này thuộc về bản lĩnh của con người, có người rất muốn nói nhưng do điều kiện hoàn cảnh như ảnh hưởng đến công tác và cũng vì bát cơm manh áo nên chưa nói chứ không phải không biết. Còn những người sẵn sàng nói kể cả biết thiệt hại đến mình.

Qua 5 năm “ăn cơm Quốc hội”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã “bớt ngây thơ”, còn ông tự thấy mình thế nào?

Thực tế hoạt động bất kể lĩnh vực nào, bao giờ cũng có chút ngây thơ, sau này người ta mới chai lì đi. Riêng đối với đại biểu Quốc hội, càng hoạt động lâu càng có kinh nghiệm, đặc biệt là những anh chịu khó học hỏi, chịu khó đọc, chịu khó đi thực tế lắng nghe phản ánh của nhân dân. Còn nếu chỉ đọc không thì lý luận trên trời, giờ phải nghe dân - ngay kể cả chỗ bia hơi xem các giới họ nói sao về vấn đề này, vấn đề kia.

Tôi lấy ví dụ như nhà 8B Lê Trực, khu resort ở Ba Vì, có phải con kiến đâu, làm hàng năm, xe pháo đi lại ầm ầm làm sao không biết? Họ biết thừa chứ nhưng có xử lý đâu, giờ lại có ý kiến phạt cho tồn tại. Những cái này pháp luật phải nghiêm, mà muốn nghiêm thì phải tính từ trên xuống, còn làm ở dưới thì chỉ làm được phần ngọn thôi.

Từng có đại biểu Quốc hội khi gặp một Bộ trưởng ở hành lang đã "xin phép" trước vấn đề sẽ chất vấn trong hội trường. Theo ông việc đó có đúng tư cách đại biểu Quốc hội không?

Theo tôi không nên như vậy! Những ông nói như thế thì khác gì "quăng phao". Mình cứ đăng ký chất vấn để xem trình độ của Bộ trưởng thế nào chứ không được làm "lộ đề".

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)