1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tôi quá may mắn khi sống sót!”

(Dân trí) - “Sự việc xảy ra quá nhanh. Tôi chỉ nghe tiếng ầm cực lớn rồi rơi tòm xuống sông. Trời đất tối sầm, tôi không còn biết gì. Tỉnh dậy đã thấy nằm trên xe cứu thương”, Trần Đình Trung, nạn nhân may mắn thoát chết sau sự cố sập dầm cầu Chợ Đệm kể lại.

“Tôi quá may mắn khi sống sót!” - 1

Rơi từ độ cao cách mặt nước 20m, anh Trung cảm thấy mình quá may mắn khi bảo toàn được mạng sống 
Cất tiếng nằng nặng giọng Nghệ, anh công nhân 22 tuổi Trần Đình Trung nhớ lại, trước khi sự việc xảy ra, anh và ba công nhân nữa đang thi công trên cầu. Lúc đó, anh Trung đang ngồi trên giá nâng dầm lên, còn anh Trần Quang Thảnh (nạn nhân đã tử vong) ngồi phía dưới cách đó vài mét.  

Cho đến hơn 15 giờ (ngày 10/3), sau khi xong phần việc của mình, hai người công nhân khác lên bờ, chỉ còn anh và anh Thảnh ở lại. Ít phút sau, bất ngờ dầm cầu sập xuống, anh chỉ kịp hét lên, rồi không còn biết gì nữa.  

“Lúc đó mình đang đứng cách mặt nước khoảng 20m, cao hơn chỗ anh Thảnh đứng. Tỉnh dậy thì nghe tiếng xe cứu thương, đầu nặng trịch, khắp người đau nhức... xung quanh thì lao xao bàn tán chuyện sập cầu”, anh Trung hồi tưởng lại. 

Anh Trung cho là mình quá may mắn khi bảo toàn được mạng sống. Khi nghe tin anh Thảnh mất, anh thất thần thương bạn. Hiện anh đã tỉnh táo và khỏe hơn.

BS Phan Minh Hưng, Phó khoa Chấn thương sọ não, BV Chợ Rẫy cho hay: “Anh Trung bị dập não thái dương đính bên phải, bị xây xát một số nơi, chảy máu tai. Hiện bác sĩ đang theo dõi trạng thái sức khỏe anh Trung. Tuy bệnh nhân đã tỉnh, có thể nói chuyện, nhưng phải mất 5-7 ngày theo dõi nữa, nếu không có gì bất trắc mới an tâm xuất viện”. 

Giải thích thêm về việc bệnh nhân chảy máu tai bên phải, BS Hưng nói: “Do khi rớt xuống nước, tai của bệnh nhân tiếp xúc mạnh với mặt nước. Áp suất thay đổi bất ngờ dẫn đến hiện tượng như thế”.
 
“Tôi quá may mắn khi sống sót!” - 2

Sức khỏe của anh Trung đang dần ổn định

Được biết, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Trần Đình Trung tham gia học nghề cầu đường tại Vĩnh Phúc. Sau đó vào TPHCM làm tại Công ty cổ phần cầu 11 hai năm nay. Gia đình làm nông tại vùng đất Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Anh còn cha mẹ già ở quê. Hàng tháng anh vẫn chi tiêu dè xẻn để có tiền gửi về phụ giúp gia đình. 

Hoài Lương