Phiên tòa xử vụ buôn lậu thuốc lá:
Tội nhân - công tố giằng co đuối lý
(Dân trí) - Ngày làm việc thứ 3 (29/2), tòa xét hỏi việc buôn lậu lô hàng hơn 5.900 tấn thuốc lá của công ty Thành Sơn bằng những hợp đồng bị cáo buộc là giả danh. VKS đã đuối lý khi chỉ buộc được giám đốc Nguyễn Huy Tần thừa nhận non nửa số hàng quy kết.
Viện “chơi khó” bị cáo
Theo cáo trạng của VKS, công ty Thành Sơn đã đứng ra ký kết 12 hợp đồng ủy thác với 4 công ty được phân quota nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu tại TP Hồ Chí Minh để mua của công ty Hải Viên (Trung Quốc) số lượng hàng lớn như trên về Việt Nam qua những lối mở trên các tuyến biên giới Bát Xát, Mường Khương.
Giám đốc Thành Sơn - bị cáo Nguyễn Hữu Tần thừa nhận, hàng đi qua các lối mở này phải xin phép và thực tế PCT UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Kim là người đã ký những “giấy thông hành” để công ty nhập trót lọt toàn bộ số thuốc lá. Đại diện VKS lập tức "đá xoáy", hỏi Tần hiểu thế nào về khái niệm “lối mở”. Bị cáo xác nhận, theo quy định, việc nhập hàng không qua các cửa khẩu chính ngạch mà đưa qua các lối mở là không được. Nhưng chính sách của 2 tỉnh giáp biên Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc) có “linh động” để tăng cường thông thương nên bị cáo mới đặt vấn đề xin phép UBND tỉnh.
Tuy nhiên, trong toàn bộ lô hàng hơn 5900 tấn đó, Tần kiên quyết chỉ nhận khối lượng 2800 tấn công ty Thành Sơn đứng ra trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán với Hải Viên. 3200 tấn còn lại, Tần “tố” VKS cộng oan vì bị cáo chỉ là người móc nối, môi giới giúp 4 công ty phía Nam giao dịch với bạn hàng Trung Quốc (không bàn bạc, không góp vốn, không hưởng lợi).
Tòa hỏi dồn, yêu cầu Tần đưa ra những số liệu cụ thể từng đợt nhập hàng, bị cáo và luật sư thẳng thừng đẩy nghĩa vụ qua phía VKS với lý do, chính Viện cáo buộc, Viện phải đưa ra tài liệu chứng minh. Công tố viên cũng “cứng”, lập tức ra điều kiện, vì bị cáo phủ nhận tài liệu do cơ quan tố tụng, Viện sẽ không công bố. Nếu bị cáo thừa nhận những hồ sơ này, Viện mới công bố.
Luật sư Hoàng Huy Được “tỉa” ngay: “Viện làm thế khác nào cố làm khó, đẩy thân chủ tôi vào tình thế rất bất lợi là buộc phải nhận tội trước khi được khai”.
Tình thế lại được đẩy về vấn đề thật-giả của các hợp đồng mua bán này. Chủ tọa Nguyễn Văn Lưu thẳng thắn xác nhận, cái gốc của vấn đề chính là việc cáo buộc Tần và Liên làm giả con dấu của bạn hàng Hải Viên. Tuy nhiên, việc này lại chưa khẳng định được vì hồ sơ lại thiếu căn cứ đối chứng để có thể kết luận đâu là con dấu thật, đâu là giả.
Điều tra viên “khổ” vì bị cáo điếc
2 giám đốc Nguyễn Huy Tần và Nguyễn Ngọc Liên liên tục kêu đã khai nhận tất cả việc làm dấu giả, buôn lậu, trốn thuế... là bị ép cung.
Giờ làm việc buổi chiều, Liên lâm ly câu chuyện “hy sinh vì nghĩa”, sau khi bị bắt, bị ép nhận tội, bị cáo được cho gặp Nguyễn Huy Tần và phát hoảng vì thấy cấp phó suy sụp quá nhiều, người sưng nề, mắt lòa, tai điếc vì không được ăn uống, điều trị đúng chế độ của người bị tiểu đường biến chứng. Lệnh bắt chồng, con trai và những người thân của Liên tại Thiên Lợi Hòa cũng được đưa ra như cái giá cho việc nhận tội. Liên thống thiết đã tặc lưỡi chấp nhận “hy sinh”, nhận cho xong việc làm dấu giả của Hải Viên.
Cả nhóm bị cáo góp tên trong mảng tội buôn lậu (Nguyễn Hữu Tần, Vũ Văn Nguyên, Cao Bá Hậu, Phạm Hữu Thơm) cũng sao y một kịch bản “tố tội” cơ quan điều tra. Tần kêu mệt mỏi, căng thẳng khi lấy cung vì sức khỏe yếu, vì tai kém, điều tra viên nhiều khi đến bực mình đạp bàn quát vì quá mệt khi lặp lại câu hỏi đến vài lần mà bị cáo vẫn “ngơ ngơ”... Dĩ nhiên, việc phản cung khó thuyết phục được tòa vì không căn cứ chứng minh.
Việc hỏi đi hỏi lại gần như đụng đường “cụt” thì luật sư của bị cáo đưa đẩy khá thành công một “cái bẫy” nhỏ. LS Hoàng Huy Được đột ngột hỏi Tần, trong quá trình làm việc, CQĐT cho bị cáo trực tiếp xem lại bản cung hay điều tra viên đọc lại trước khi để bị cáo ký. Tần đáp gọn: được đọc lại. LS Được thủng thẳng tiếp: “Bị cáo có được đeo máy trợ thính”. Tần đáp nhẹ: Không. Phòng xử án vang lên những tiếng cười cố nén.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng thứ 2.
P.Thảo