Đại biểu Phạm Thị Loan:
“Tôi không muốn dùng diễn đàn Quốc hội để khen nhau”
(Dân trí) - “Tôi tham gia Quốc hội không mưu cầu cho cá nhân tôi. Thật xấu hổ khi thấy có đại biểu dùng diễn đàn Quốc hội để khen nhau” - Bà Phạm Thị Loan, đại biểu Quốc hội khoá XII tâm sự.
Tâm lý e ngại khá phổ biến trong nghị trường
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan
Đó là những điều gì vậy, thưa bà?
Thứ nhất, phải thẳng thắn với nhau rằng nhìn chung, chất lượng đại biểu vẫn còn hạn chế ở cả trình độ nhận thức lẫn bản lĩnh chính trị. Điều đó đã khiến Quốc hội không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tâm lý biết nhưng ngại nói, ngại tranh luận, ngại đụng chạm khá phổ biến trong các hoạt động nghị trường. Vì thế, những tiếng nói mạnh dạn nhất thường thuộc về những người ít vướng mắc như nhân sĩ, trí thức hay các đại biểu lớn tuổi đã nghỉ hưu.
Tôi nghĩ có lẽ không hẳn thế bởi với chính bà chẳng hạn, điều đó đâu có đúng với bà?
Là doanh nhân nhưng tôi tham gia Quốc hội không mưu cầu cho riêng tôi. Thật ra hành xử như thế nào xuất phát từ động cơ cá nhân. Thật xấu hổ khi thấy có đại biểu dùng diễn đàn Quốc hội để khen nhau.
Chả lẽ diễn đàn Quốc hội chỉ để… chê nhau?
Nghị trường Quốc hội là nơi quyết định những việc trọng đại của đất nước. Vì vậy, diễn đàn Quốc hội là nơi bàn bạc, chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu để từ đó, tìm ra chiến lược nhằm bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước chứ không phải nơi khen hay chê nhau. Đó là việc của Hội đồng Thi đua, Khen thưởng và UB Kiểm tra Trung ương.
Tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân
Điều hạn chế, băn khoăn thứ hai của bà là gì?
Là việc thông qua luật. Tuy Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ thông qua các luật theo kế hoạch đã định nhưng chất lượng luật không cao ở cả hai khía cạnh, trình tự ưu tiên cũng như nội hàm của một văn bản luật. Cái gì cuộc sống đang đòi hỏi cấp bách thì phải ưu tiên làm trước, thông qua trước. Cái gì chưa cấp bách thì làm sau, thông qua sau. Hiện nay có tình trạng những vấn đề cấp bách mà đời sống xã hội đang rất cần thì không được ưu tiên và ngược lại, nhiều việc chưa cần thiết lắm thì lại vội ban hành. Rồi nội dung luật vừa thiếu tính bao quát lại vừa thiếu tính cụ thể, hiểu như thế nào cũng được. Hậu quả là sau khi có hiệu lực nhưng một thời gian dài sau luật vẫn chưa đi vào cuộc sống vì phải chờ nghị định, thông tư của Chính phủ - một dạng “luật con”.
Nguyên nhân nào dẫn đến những hạn chế đó, thưa bà?
Đầu tiên là quy trình ban hành luật không hợp lý. Việc chuẩn bị chương trình thông qua luật trong mỗi kỳ họp hoàn toàn do Chính phủ đề xuất. Chính phủ đề xuất cái gì thì Quốc hội bàn cái ấy, không đưa thì không bàn nên rất thiếu chủ động. Đáng lẽ Quốc hội phải giao cho Chính phủ chuẩn bị soạn thảo luật này cho kỳ họp này, luật kia cho kỳ họp kia nhưng hiện nay, Chính phủ đưa ra cái gì thì xử lý, thảo luận rồi thông qua cái đó. Tuy lần này có khá hơn một chút là có thể từ chối.
Việc tổ chức soạn thảo hiện nay cũng không hợp lý. Quốc hội ban hành luật là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ điều hành, quản lý đất nước đồng thời ràng buộc Chính phủ và các bộ, ngành. Thế nhưng việc soạn thảo luật lại do chính các bộ, ngành thuộc Chính phủ thực hiện tức là mình soạn luật cho mình thì tránh sao khỏi chủ quan, phiến diện, thậm chí tạo điều kiện thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn về phía nhân dân.
Có ý kiến cho rằng đôi khi Quốc hội bỏ phiếu theo dư luận, theo ý chí của truyền thông. Bà nghĩ gì về ý kiến này?
Tôi không thấy như thế mà thấy một điều khác.
Đó là gì, thưa bà?
Là hiện tượng bỏ phiếu theo số đông.
Xin rút khỏi danh sách ứng cử vì cách hành xử thiếu cầu thị
Được biết dù vẫn còn nhận được sự tín nhiệm nhưng bà đã xin rút khỏi danh sách ứng cử Quốc hội XIII, tại sao vậy?
Về lý do cá nhân, theo chủ quan của tôi nền kinh tế sắp tới sẽ trải qua giai đoạn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, muốn làm tốt trách nhiệm của một đại biểu trước cử tri, trước đất nước cần không chỉ trí tuệ, mồ hôi, công sức và cả thời gian. Tự thấy mình không đủ sức để ôm đồm nên tôi xin rút để tập trung cho doanh nghiệp của mình. Còn một lý do nữa là nhiều khi tôi cảm thấy không hài lòng đối với sự thiếu cầu thị, cách hành xử né tránh, xuê xoa trước những đòi hỏi bức xúc của nhân dân mà tôi được cử tri tin cậy, gửi gắm nêu ra.
Bà có thể ví dụ?
Ví dụ như cách xử lý đối với sai phạm của một số tập đoàn kinh tế vừa qua chẳng hạn. Thành thực nhiều khi tôi cũng rất buồn vì những trăn trở, tâm nguyện của mình với đất nước, với nhân dân nhưng không phải ai cũng hiểu đúng, nhìn nhận, đánh giá đúng.
Được thì doanh nghiệp hưởng, thua lỗ Nhà nước chịu
Nếu tiếp tục tham gia ứng cử vào Quốc hội XIII tới và trúng cử, bà sẽ quan tâm đến điều gì nhất?
Trường Sơn uy nghiêm. Biển Đông hùng vĩ. Sông Lam sục sôi ghềnh thác cùng với gió Lào bỏng rát đã tạo nên khí chất của người xứ Nghệ. Nghị trường Quốc hội cũng trở nên nóng hổi bởi những phát biểu thẳng thắn, quyết liệt, không khoan nhượng và tràn đầy nhiệt huyết của họ. Đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Quốc hội X), Bộ trưởng Trương Đình Tuyển (Quốc hội XI) và Doanh nhân Phạm Thị Loan (Quốc hội XII)... (Nhà thơ Bùi Hoàng Tám) |
Tôi là doanh nhân nên điều tôi quan tâm nhất là kinh tế và phát triển kinh tế. Do đó, trước tiên là rà soát lại tất cả các tập đoàn dùng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là Dầu khí, Than - Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông… Việc thứ hai là ban hành, điều chỉnh các chính sách ở tầm vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách đầu tư công, chính sách kiểm soát bất động sản, chính sách sử dụng vốn Nhà nước…
Xin bà cho biết cụ thể, về chính sách tiền tệ hiện nay cần có những điều chỉnh gì?
Chính sách tiền tệ hiện nay chắp vá. Cách điều hành mang tính đối phó chứ chưa có chiến lược lâu dài. Những nhà hoạch định chính sách phải đề ra những biện pháp cụ thể để quản lý được ngân hàng, kiểm soát được lượng tiền mặt, vàng, ngoại tệ. Nên nhớ là các mệnh lệnh hành chính chỉ có tác dụng trong một thời điểm cụ thể với một khoảng thời gian ngắn còn về lâu dài, sẽ thất bại.
Về tài khóa, thưa bà?
Rà soát lại tất cả các dự án, cái nào hiệu quả thì tiếp tục, dự án nào thiếu hiệu quả thì dừng, hủy. Kiểm soát tổng thể vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng đơn vị. Không để tái diễn tình trạng được thì doanh nghiệp hưởng, thua lỗ Nhà nước chịu.
Xóa bỏ xếp hàng, dàn trải, chia chác… dự án
Còn đối với thị trường bất động sản, được biết là một trong những lĩnh vực bà rất quan tâm?
Theo tôi, chính thị trường bất động sản là một trong những tác nhân quan trọng trong việc làm lũng đoạn, suy yếu nền kinh tế Nhà nước. Cần kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bình ổn và đưa giá bất động sản về giá trị thực tiến tới một thị trường lành mạnh, có kiểm soát.
Chính sách đầu tư công, một lĩnh vực khá “nhạy cảm”?
Theo tôi, cần lựa chọn các dự án thật cần thiết theo xu hướng có trật tự ưu tiên và có trọng điểm. Xóa bỏ tình trạng dự án xếp hàng, đầu tư dàn trải không hiệu quả, chia chác... Về doanh nhân, doanh nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như ủng hộ việc vay vốn, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho doanh nghiệp là những việc cần làm hiện nay.
Điều mà bà quan tâm nhất tại thời điểm này là gì?
Khủng hoảng kinh tế, an sinh xã hội và giáo dục - y tế.
Xin cảm ơn bà!
Bùi Bảo Vân (thực hiện)