“Tôi không bất ngờ trước bức xúc của lái xe”
“Nếu tăng tốc độ thì tăng nguy cơ tai nạn giao thông, do vậy, không thể thỏa mãn mong muốn tăng tốc độ tối đa của nhiều loại xe. Tuy nhiên, Cục Đường bộ đang nghiên cứu điều chỉnh tốc độ của một số phương tiện”, ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ, trao đổi về <a href="http://www2.dantri.com.vn/Sukien/2006/8/134716.vip">lá thư của lái xe Nguyễn Văn Thành</a>.
Ông nghĩ gì khi một lái xe gửi thư cho Bộ trưởng Giao thông phản ánh bức xúc về việc quy định tốc độ phương tiện?
Tôi không bất ngờ. Thời gian qua đã có nhiều lái xe gửi thư phản ảnh qua báo chí, Hiệp hội Vận tải VN. Tuy nhiên, mức độ bức xúc về quy định tốc độ xe không nhiều như những năm trước, bởi những bức xúc chính đã được giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước tiếp tục nghiên cứu để đi đến thống nhất hơn.
Theo ông, tốc độ tối đa của phương tiện khi lưu thông trên đường hiện đã hợp lý chưa?
Trong 2 năm qua, Bộ GTVT đã điều chỉnh tốc độ tối đa 2 lần, song chưa thỏa mãn được mong muốn của lái xe, doanh nghiệp vận tải. Chúng tôi phải tiếp nhận thông tin nhiều chiều. Hiện giao thông trên phần lớn tuyến đường là lưu thông hỗn hợp, hành lang đường bị vi phạm nhiều, người dân họp chợ trên đường, xe đạp đi tràn ra đường của xe cơ giới. Để đảm bảo an toàn giao thông thì phải hạn chế tốc độ của phương tiện.
Đứng ở góc độ đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi cho rằng quy định hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, nếu có điều kiện tăng tốc độ lên thì ngành vận tải phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải VN đưa ra con số, cách đây 20 năm đi từ Hà Nội vào Vinh hết 7 tiếng, thì nay vẫn thế?
Đó là ý kiến của một người, chứ chưa có hội đồng thẩm định. Chỉ trong 2 năm qua đã có 2 lần điều chỉnh tốc độ nên nói như vậy là không chính xác.
Đầu tư của nhà nước về hạ tầng giao thông tăng lên khá nhiều, nhưng điều này chưa theo kịp sự gia tăng của phương tiện. Ngoài ra, quy định tốc độ không chỉ phụ thuộc vào chất lượng đường mà còn do nhiều yếu tố khác như: hành lang, tổ chức giao thông... Nếu giải quyết được những vẫn đề này thì mới tăng tốc độ lên. Hiện, chúng ta vẫn ở trình độ kinh tế thấp thì doanh nghiệp vận tải phải biết chấp nhận, không được theo ý muốn chủ quan. Khi nước ta có vài nghìn km đường cao tốc, lúc đó thì mới tăng tốc độ.
Ở nước ngoài, thường quy định tốc độ tối đa theo chất lượng từng loại đường, còn nước ta áp dụng chung cho tất cả các loại đường. Ông nghĩ thế nào về sự bất hợp lý này?
Chúng tôi đã tính phương án điều chỉnh theo loại đường, song điều đó chỉ phù hợp về hình thức. Khi lái xe trên đoạn đường thẳng, người lái vẫn có thể chạy vượt trên thiết kế của đường. Nếu lấy thiết kế làm chuẩn, các đường tỉnh, quốc lộ chất lượng kém sẽ phải chạy tốc độ thấp hơn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT phải nghiên cứu điều chỉnh quy định tốc độ theo kiến nghị của Hiệp hội Vận tải VN, công việc này tiến hành ra sao, thưa ông?
Cục Đường bộ đề xuất nhóm xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe tải từ 3,5 tấn trở lên, xe rơ moóc sẽ điều chỉnh tăng 10-20 km. Ngoài ra, chúng tôi cũng tính phương án giảm thành 3 nhóm xe thay vì 4 như trước. Bên cạnh đó, sẽ quy định trên đường ngoài đô thị 4 làn xe trở lên, có giải phân cách giữa thì sẽ có biển báo riêng.
Thủ tướng đã có chỉ đạo trước 30/7, chúng tôi đang nghiên cứu để trình Bộ GTVT trong tháng 8.
Người lái xe gửi thư cho Bộ trưởng Giao thông có kiến nghị lấy mốc 50-80 km/h để giới hạn tốc độ trong và ngoài đô thị, ông nghĩ sao?
Đây không phải tính toán khoa học, mà là trao đổi ý kiến nhưng bước đầu, chúng tôi thấy không phù hợp. Trên tuyến đường có rất nhiều xe, chất lượng không đồng đều. Trên lý thuyết, các loại xe cũ có thể đi chậm, song trên thực tế, khi chất lượng phương tiện không đảm bảo mà họ chạy tốc độ cao sẽ không an toàn.
Tôi từng làm doanh nghiệp, giám đốc Sở GTVT nên rất thông cảm với giới vận tải. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì vẫn chỉ điều chỉnh ở dạng “du kích”.
Bộ Giao thông đang giới hạn về tốc độ, song số vụ tai nạn vẫn tăng. Ông nghĩ gì nếu người ta nói rằng quy định tốc độ thiếu hiệu quả?
Theo tôi, việc kiểm soát tốc độ là quan trọng nhất vì vi phạm tốc độ chiếm tỷ lệ cao nhất trong nguyên nhân gây tai nạn. Còn về hiệu quả thì chưa có báo cáo. Số tai nạn tăng còn do nhiều yếu tố khác nữa, như chỉ số tăng phương tiện. Nếu không kiểm soát tốc độ thì sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Trích lá thư thứ hai của lái xe Nguyễn Văn Thành gửi Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng:
Chính phủ đổi mới, ngài lên lãnh đạo, lá thư thứ hai này tôi xin kính chuyển đến ngài những ý tưởng của tôi sau nhiều năm chờ đợi.
Trên đường bộ, chỉ cần có hai loại biển cấm:
- Trước khi vào khu đông dân cư cấm 50 km/h.
- Trên đường trường cấm 80 km/h.
Việc bắn tốc độ là rất cần thiết làm giảm thiểu tai nạn giao thông. Lỗi phạt tốc độ khi được chấp nhận 2 biển báo trên sẽ là:
- 85 - 95 km phạt 8 triệu đồng.
- 95 - 105 km phạt 9 triệu đồng.
- 105 - 115 km trở lên phạt 10 triệu đồng. Xin ngài bãi bỏ bất cứ hành vi nào khác xử phạt lái xe tốc độ ngoài xử phạt kinh tế bằng tiền để người dân làm nghề vận tải thoát khỏi cảnh cơ cực. |
Theo Đoàn Loan
Vnexpress