1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hậu sập lò:

Tôi đi làm ở mỏ

(Dân trí) - Với mức lương khá cao so với người lao động phổ thông, công nhân trong mỏ than luôn là một công việc khá lý tưởng. Nhưng, để được vào trong mỏ vẫn là mơ ước của rất nhiều người bởi không chỉ cần có sức khỏe, sự nhiệt tình, ham thích công việc, công nhân mỏ còn cần rất nhiều "tố chất" khác nữa.

Trở lại Mông Dương sau hơn nửa tháng xảy ra sự kiện tại sập hầm, với ý định “làm việc” ở mỏ, chúng tôi bắt đầu hành trình "tìm việc".  Với những "tố chất" trong tay theo sự hướng dẫn, chỉ bảo của chị bán bia, người đã gần mười năm ngồi đối diện với một công ty than C, chúng tôi quyết định xâm nhập mỏ.

 

Bắt đầu giờ hành chính, cầm trên tay tập hồ sơ xin việc đứng trước "phòng tuyển dụng", ngơ ngác như đứa trẻ ở quê lần đầu được ra thành phố, chúng tôi "đi xin việc". Gọi là phòng tuyển dụng cho nó đúng với tính chất của công việc chứ thực ra đây chỉ là một quán bán hàng kiêm thêm văn phòng chân rết làm công tác tuyển dụng công nhân, nhân viên, lái xe cho một số mỏ, công ty, nhóm khai thác than trong khu vực.

 

Một chiếc bàn ọp ẹp được kê quay ra mặt tiền, không có biển hay một dấu hiệu gì cho thấy đây là một văn phòng cả. Nhưng, theo như mách bảo của chị bán bia kia thì: "Các chú cứ vào trong đấy mà hỏi đi, sẽ có công việc cần tìm đấy. Nếu không được, chị không bao giờ dám nhìn mặt các chú luôn.".

 

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông tâm thước, toàn bộ con người toát lên chất của một người buôn bán, trên tay đeo đủ các loại nhẫn. Với con mắt tinh ranh, ông lướt qua và hất hàm hỏi từng người. Tôi muốn làm lái xe ben còn cậu đồng nghiệp đi cùng mong được trở thành một "công nhân gián tiếp" (người chuyên đi chấm công ở các mỏ).

 

Với nụ cười đầy bí hiểm và có phần thân thiện hơn khi chúng tôi trình bầy là "có người quen mách bảo em đến đây nương nhờ "cửa" của bác". Với "mật khẩu" như vậy, anh ta cởi mở hơn và hỏi ngay: "Ai giới thiệu các cậu?". Do đã tìm hiểu các mối quan hệ của anh ta từ trước nên chúng tôi nhanh nhảu: "Anh Long ở dưới Cẩm Phả giới thiệu ạ". Thế là anh ta đã "ra giá" một cách rất thẳng là "chỗ người quen, anh chỉ lấy tám "quả" (tám triệu đồng) cho mỗi chú. Các chú ở đô thị nó quen rồi, sợ không chịu được đời mỏ nên anh cho một tuần thử việc, nếu không thích, không chịu được, quay lại đây, anh hoàn tiền. Chuyện này các chú lo gì, độ ba tháng sau là hoàn "vốn" ngay mà, lương ở mỏ cao ngất, mấy đồng bạc này đáng gì".


Theo như hẹn của Tr (tên người đàn ông "chạy việc" mà sau này mới biết), chúng tôi quay lại và được anh ta dẫn vào mỏ. Gặp một người trong công ty, anh ta cười nói và chỉ trỏ về phía chúng tôi. Cái gật đầu và vẫy tay của Tr đã làm chúng tôi biết là mình được nhận. Đi theo nhân viên đó, chúng tôi được dẫn ngay vào đội xe và đội chấm công. Một tuần làm việc, một tuần lang thang và hỏi han, chúng tôi biết mình vẫn được lấy giá rẻ hơn nhiều công nhân ở đây. Như Nguyên, một công nhân mỏ mới được tuyển, khi vào anh phải mất mười hai triệu đồng nhưng "độ nửa năm sau, ăn dè, hà tiện, không chơi bời, em cũng "hoàn vốn" anh ạ". Hay, như T, một cô gái được mệnh danh là hoa khôi của công ty, khi vào được "hữu nghị" vì xinh gái cũng phải mất gần mười triệu.

 

Tâm trạng chung của tất cả những công nhân muốn làm ở mỏ mà phải mất tiền "chạy chọt" là: "Em cũng chỉ muốn làm một thời gian, kiếm ít vốn giắt lưng rồi về quê tính kế". Theo phép tính của những người công nhân ở đây thì ngoài việc đóng tiền ăn hàng ngày, tiền chi tiêu vặt, tiền trả cho các "phụ phí" khác thì hàng tháng, với mức lương gần sáu, bẩy triệu đồng, có thể gửi về nhà ba triệu đồng. Cứ làm độ hai năm cũng đủ một chút vốn về nhà mở cửa hàng hoặc kinh doanh. Cho nên để có công việc này, họ không ngần ngại bỏ ra "máy tấn thóc" để được một công việc mà theo họ là "hái ra tiền" so với làm ruộng.

 

Theo tôi biết, hiện tượng này không chỉ diễn ra tại mỏ của công ty C mà còn ở nhiều nơi khác. "Giá" để có một việc làm còn cao hơn ở công ty C, khoảng mười ba đến mười bốn "quả". Đây, theo tôi, có lẽ là một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo một số công ty.

 

Và, theo những gì chúng tôi biết được thì để nhanh có tiền để trang trải nợ nần, giúp đỡ gia đình cũng như đủ vốn để chuyển công việc khác, có nhiều công nhân mỏ sẵn sàng làm những công việc vi phạm pháp luật như trộm kíp mìn đi bán, trộm than bán cho các nhà buôn lẻ bên ngoài mỏ và hàng loạt những công việc không mấy gì tốt đẹp. Trong những bài viết sau, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc những "chiêu thức" kiếm tiền không trong danh mục công việc phải làm của các công nhân mỏ.

 

Hưng Sơn

Dòng sự kiện: Tôi đi làm mỏ