“Tôi chỉ muốn một nén nhang xin lỗi”

Hai chiếc ghế vuông vuông kề sát nhau. Nguyên đơn, mẹ của nạn nhân, tóc điểm bạc, dáng gầy gò. Bị đơn trẻ hơn, người phốp pháp, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn bà. Sau lưng họ, hai nhóm người ngồi lặng lẽ.

Một chiếc áo khoác rơi xuống gầm ghế, không cánh tay nào đưa ra nhặt. Không một tiếng xì xào. Những nét mặt đầy căng thẳng. Họ chờ cấp phúc thẩm xử vụ một cô gái bị bò tông xe, chết thảm hai năm trước.

 

Hai người mẹ mất con

 

Nguyên đơn, bà Nguyễn Thị Thiết, 56 tuổi, ở Đức Hòa, tỉnh Long An. Không có gia đình riêng, năm 36 tuổi bà được người em gái út cho cô con gái mới giáp thôi nôi. Mừng lắm, bà đặt tên con là Nguyễn Thị Mỹ Linh. 20 năm ròng làm mướn làm thuê, nuôi heo nuôi gà, bà tích cóp mua đất, xây nhà đối diện nhà em gái, mua bảo hiểm nhân thọ để bảo đảm tương lai lâu dài cho con.

 

Bà nhớ mãi những ngày Linh theo hỏi: “Ba của con là ai?”. Bà nói dối rằng ông mê vợ bé bỏ đi lâu rồi. Linh lại thắc mắc: “Tại sao dì Út được con của dì kêu là má, còn con chỉ kêu má là Tám?”. Bà khóc, nói: “Tôi không ngờ tiếng “má” quan trọng với con tôi như vậy”. Từ ngày gọi nhau là má với con, bà càng yêu con hơn.

 

Linh vào THPT, bà kẹt tiền. Không dám xin mẹ, Linh sang nhà dì Út (mẹ ruột của Linh nhưng lúc đó Linh chưa biết) hỏi mượn tạm. Có tiền, Linh đem trả. Dì Út nói cho luôn, Linh không chịu nhận. Bà Thiết định bụng tới khi Linh trưởng thành, đi lấy chồng, bà sẽ nói rõ Linh chỉ là con nuôi của mình, còn mẹ ruột chính là dì Út.

 

Linh đi luyện thi đại học. Chiều thứ bảy nào bà Thiết cũng chạy Honda ra bến xe đón Linh về. Có lần đếm 16 chuyến xe buýt chạy qua chưa thấy con gái bước xuống xe, bà cũng ráng chờ - bà nấc nghẹn khi kể đến đây. Chuyến xe thứ 17 tới, trời tối mịt, Linh bước ngang qua không nhận ra bà vì tưởng là người chạy xe ôm...

 

Hai bao sách vở của con gái nay để trong nhà, tất cả như còn mới nguyên. Người mua ve chai hỏi mua nhưng bà nhất định để dành vì còn thấy đồ đạc của con là còn gặp được con. Ngày nào bà cũng ra mả đốt nhang. Gặp ai, bà cũng kể chuyện con gái mình. Bà nói say sưa từ sáng tới trưa. Giờ có một thân một mình, nhớ thì nấu cơm ăn, quên thì bà nằm nhịn đói. Có bữa đi chợ về bỏ đồ ăn lên bàn, ra mả đốt nhang, lúc trở vô bà thấy thịt cá bị mèo ăn gần hết.

 

Mẹ ruột của Linh mang nỗi đau khác. Mười tám năm nhìn con gái mà không dám nói câu “Má đây nè con”. Bà sợ con biết sự thật sẽ không thương má Tám nữa.

 

Cái chết vô lý, vô tình

 

Luật gia Võ Quốc Thới, bảo vệ quyền lợi cho bà Thiết tại tòa, cho biết: Khi con bò thả rông gây ra tai nạn, người chủ bò là vô ý.

 

Khoản 4 điều 625 Bộ luật dân sự qui định: “Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

 

Người chăn nuôi không được cho súc vật ra đường giao thông, trừ súc vật được cấp phép tham gia giao thông. Trường hợp chủ bò đang dắt bò, thấy người đi đường vẫn dắt bò ngang qua hoặc cố ý xua đuổi bò đụng người, gây tai nạn sẽ bị xét xử theo luật hình sự, tội danh cố ý giết người.

Chị em bà Thiết không ngờ ngày 22/8/2005 hai người vĩnh viễn mất con. Linh chạy chiếc Cub 78 chở bạn học Cẩm Tú đi coi điểm thi đại học. Một cú điện thoại kêu bà Thiết tới gấp Bệnh viện Hậu Nghĩa (Đức Hòa). Tất tả chạy đến, hai bà thấy Linh đang được tiếp oxy trong phòng cấp cứu. Bà Thiết lật đật nắm tay con gái hỏi: “Con ơi làm sao vậy? Con mở mắt ra đi con”. Linh nấc lên hai tiếng rồi tắt thở. Đồng hồ điểm 12h55.

 

Cẩm Tú kể lại: khoảng 11 giờ hôm đó, Linh chở Tú trên đường đi hướng từ Lộc Giang về Tân Mỹ. Tới chỗ đường tẻ xuống mé Hiệp Hòa có mấy lùm cây. Hai con bò lứa từ lùm chạy ra. Tú nghe Linh kêu “á”, con bò nhỏ đang giơ hai chân trước lên. Xe ngã. Linh và Tú té văng ra đường. Linh được đưa đi cấp cứu.

 

Tú nhìn thấy hai con bò đi vô sân nhà một người mà nhiều người xúm quanh đó nói là nhà của ông Đỗ Văn Bốn. Nhiều người khác tìm bà Thiết cũng nói con bò đó của ông Bốn. Bà giận, làm đơn khởi kiện ông Bốn “là chủ chăn nuôi mà không biết giữ gìn súc vật, thả rông ra đường làm thiệt hại sinh mạng con tôi”.

 

Ngày 6/6/2007, phiên tòa dân sự sơ thẩm được mở tại Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa. Tòa cho rằng không đủ chứng cứ xác định bò đụng vào xe Mỹ Linh là bò của ông Bốn nuôi, quyết định bác đơn của bà Thiết.

 

Họa vô đơn chí, trong lúc đi tìm công lý cho con, gặp trời mưa đường trơn trợt, bà Thiết té bị thương ở tay. Lại ôm di ảnh con đi kiện tiếp. Chẳng phải bà muốn có số tiền bồi thường, cái bà cần là công lý cho con. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà nói nếu ông Bốn biết lỗi, tìm đến đốt nhang xin lỗi con gái bà thì bà đã không kiện ông Bốn làm gì.

 

Bà Thiết kháng cáo. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa ra kháng nghị nêu rõ: xét khoảng cách giữa các hộ nuôi với nơi xảy ra tai nạn, chỉ duy nhất hộ của ông Bốn là nuôi bò con thả rông, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng chấp nhận yêu cầu của bà Thiết.

 

Ngày 10/9/2007, Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm vụ án. Ông Bốn vẫn khẳng định con bò tông vào xe Mỹ Linh không phải bò của ông nuôi. Tuy nhiên qua những câu hỏi và trả lời của ông Bốn tại tòa về việc tại sao con bò của ông bị chảy máu mũi trong ngày xảy ra tai nạn cho Mỹ Linh và những chứng cứ khác, hội đồng xét xử tuyên đủ cơ sở xác định bò của ông Bốn thả rông, gây tai nạn khiến Mỹ Linh chết thảm. Tòa buộc ông Bốn phải bồi thường cho bà Thiết hơn 24,5 triệu đồng.

 

Khi được tuyên thắng kiện, gương mặt bà Thiết xóa được sự u ám trong chốc lát. Mẹ ruột của Mỹ Linh thì nói: “Công lý vậy mới là công lý!”. 

 

Theo Diệu Hi

Tuổi Trẻ