1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Toàn cảnh về tác động của biến đổi khí hậu tại TP.HCM

Tác động của biến động khí hậu tại TPHCM là đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và kết quả này sẽ là cơ sở lập kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cho toàn thành phố.

 
 
Đề tài do PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, phó phân viện trưởng phân viện Khí tượng thuỷ văn và môi trường phía Nam cùng nhóm các nhà khoa học thực hiện, phác họa toàn cảnh những ảnh hưởng do tác động biến đổi khí hậu gây ra cho TP.HCM trong tương lai.
 
Theo ông Phùng, ảnh hưởng trầm trọng đầu tiên là tài nguyên nước. Tính toán xâm nhập mặn tại thành phố cho thấy gần như toàn bộ diện tích huyện Cần Giờ phải chịu ảnh hưởng kéo dài của độ mặn 4‰ (ranh mặn dành cho nước nông nghiệp).
 
Toàn cảnh về tác động của biến đổi khí hậu tại TP.HCM - 1
Theo tính toán, đến 2070 sẽ có một số diện tích bị chìm vĩnh viễn trong nước biển. Ảnh: Từ An
 
 
Tương tự, độ mặn nâng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề cấp nước ngọt cho toàn thành phố. Theo tính toán, ranh mặn 1‰ (giá trị giới hạn cho nước sinh hoạt) gần nhà máy nước Thủ Đức nhất, năm 2030 là 6,5km, và chỉ còn 3km vào năm 2070. Đây là một khoảng cách không an toàn cho nguồn nước nhà máy sử dụng.
 
Do đó việc di dời nhà máy nước BOO Thủ Đức trong tương lai phải được tính đến. Với nhà máy nước Tân Hiệp, lấy nước từ kênh Đông Củ Chi thì khoảng cách giữa nhà máy và ranh mặn 1‰ gần nhất là 16,2km vào năm 2030, và 15,3km vào năm 2070.
 
Rồi khả năng trữ nước của hồ Dầu Tiếng ảnh hưởng rất nhiều, với hai trạng thái ngược nhau, mùa khô lưu lượng nước giảm từ 8 – 12% gây hạn hán, mùa mưa lượng nước lại tăng vọt gây lũ lụt…

Còn các ảnh hưởng lên hạ tầng cơ sở, giao thông, quy hoạch sử dụng đất thì sao?

Với quy hoạch đất, từ bây giờ tới 2020, mực nước biển dâng từ 8 – 13cm, chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng từ 2030 trở đi thì ảnh hưởng, ngập lụt xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, cây xanh, đất sinh thái…
 
Trong 24 quận huyện của thành phố, Bình Chánh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo tính toán, đến 2070 sẽ có một số diện tích bị chìm vĩnh viễn trong nước biển: đất nông nghiệp (610ha), khu dân cư nội thành (190ha), khu dân cư mới (247ha), đầu mối hạ tầng (93ha), khu công viên cây xanh, thể dục thể thao khoảng 124ha.
 
Như vậy quy hoạch sử dụng đất cho Bình Chánh cần phải xem xét, điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế tổn thất về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, khu dân cư tương lai.
 
Ở quận 2, nguy cơ ngập nằm trong khu quy hoạch khu trung tâm tổng hợp chính mở rộng, khu dân cư mới đô thị Thủ Thiêm (quy mô 737ha) có nguy cơ ngập cao, đáng chú ý khu trung tâm thể dục thể thao tại Rạch Chiếc (quy mô 220) có nguy cơ ngập 94ha (chiếm 43% diện tích)…
 
Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tất cả. Năm 2030 sẽ có khoảng 1.022km đường bị ảnh hưởng do ngập, năm 2070 là 1.500km.
 
Quốc lộ 1A, 22 và tỉnh lộ 50 có khả năng bị ảnh hưởng do hệ thống đê bao không đủ sức bảo vệ... Hệ thống đường sắt, đường một ray và tàu điện ngầm dự kiến đều bị ảnh hưởng bởi ngập lụt do mỗi hệ thống đều có phần nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt bất thường. Đường sắt nằm trên bờ cao mà không có hệ thống thông thoát nước thích hợp cũng có nguy cơ phá huỷ kết cấu.

Với các cơ sở sản xuất, đáng chú ý nhất là khu công nghiệp Lê Minh Xuân, ứng với kịch bản ngập cho năm 2020, 2030 không nhiều chỉ 0,36 – 0,57ha, nhưng đến năm 2070, diện tích bị ngập rất lớn, tới 390ha, chiếm 34% diện tích khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể khác như khu công nghiệp Phong Phú, Phú Hữu, khu công nghệ cao.

Đâu là cảnh báo quan trọng và báo động nhất trong tương lai gần, thưa ông?

Chúng ta đưa ra được xu thế biến đổi của các hiện tượng thời tiết, yếu tố khí hậu từ nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, đến thay đổi lưu lượng nước về mực nước biển dâng ứng với từng kịch bản khác nhau.
 
Theo tính toán, lượng mưa trung bình khu vực TP.HCM năm 2020 là 1.857mm, nhưng vào năm 2070 tăng tối đa thêm 343mm. Còn so với nhiệt độ trung bình hiện tại 27,6oC, năm 2030 có thể tăng thêm 0,31oC, 2070 tăng thêm 3,28oC, 2100 tăng thêm tới 5,23oC. Mức tăng nhiệt độ này chắc chắn gây ra nhiều nguy hiểm cho cuộc sống người dân và hoạt động của thành phố…

Đấy là dữ liệu khoa học để các ngành khác tham khảo. Ví dụ ngành điện sắp tới quy hoạch những đường dây, trạm biến thế… thì cần bản đồ ngập lụt biến đổi khí hậu để né chuyện đó đi; hoặc không nên phát triển dân cư ở những vùng bị ngập ở Bình Chánh mà nên xem đó là vùng đệm, hồ chứa nước nhân tạo…

Kết quả tính toán là cơ sở để thành phố lập kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu. Có ý kiến cho rằng nếu tính toán đúng thì tốt, nhưng nếu sai thì thành phố sẽ mất hàng ngàn tỉ đồng?

Thật ra các kịch bản chỉ là những giả định có cơ sở khoa học chứ không phải dự báo, lúc nào cũng có một sai số nhất định. Các dữ liệu đầu vào về thuỷ văn do đơn vị chúng tôi với chuyên môn sâu nên thu thập, khảo sát đáng tin cậy. Tuy nhiên, kết quả này là bước đầu để TP.HCM tính toán kịch bản. Chắc chắn khí phát thải của con người gây ra hàng năm trên thế giới thay đổi. Thế giới sau vài năm phải làm lại kịch bản toàn cầu, theo đó Việt Nam cũng phải hai đến ba năm một lần cũng phải cập nhật kết quả, chứ kết quả này không bất biến.

Tôi thấy khâu yếu nhất của thành phố mình là quản lý đô thị ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện chúng ta đang xây dựng kế hoạch để có sản phẩm nộp cho bộ Tài nguyên và môi trường thôi, còn các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn, có sự phối hợp với các sở ban ngành thì đang bí.

Theo Lê Quỳnh
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm