Toàn cảnh metro Bến Thành - Tham Lương sau gần 2 năm giải phóng mặt bằng
(Dân trí) - Tỷ lệ bàn giao mặt bằng của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã đạt hơn 83%. Tuy nhiên theo chủ đầu tư, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, dự án có thể kéo dài đến năm 2030.
Năm 2010, tuyến Metro số 2 giai đoạn 1 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt quy hoạch, dự kiến khởi công năm 2014 và sẽ hoàn thành sau 4 năm.
Tuy nhiên, sau nhiều lần "lỡ hẹn", dự án đến nay vẫn chưa chốt ngày khởi công và dự kiến kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2030.
Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11km được đầu tư xây dựng nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại.
Giai đoạn 1, tuyến đường sắt này sẽ đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Trong đó, đoạn đi ngầm 9,2km, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (quận 12).
Depot Tham Lương (phường Tân Thới Nhất, quận 12) có diện tích hơn 22ha, phục vụ tuyến metro số 2 và metro số 6.
Đầu năm 2015, gói thầu CP1 tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đã khởi công tòa nhà văn phòng cao 8 tầng, một tầng hầm và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, với vốn xây lắp 173 tỉ đồng. Công trình hoàn thành vào năm 2018 và sẽ trở thành Trung tâm vận hành tuyến tàu điện ngầm số 2.
Sau gần 2 năm tiến hành giải tỏa mặt bằng, tuyến metro số 2 đi qua quận các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích giải tỏa hơn 251.000m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại dự án cơ bản hoàn tất. Trong đó 461 hộ đã giao đất (đạt hơn 83%). Tiến độ bàn giao mặt bằng cho metro số 2 bị chậm lại do hệ số giá đất tại quận 3 chưa được phê duyệt và dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến quá trình làm việc, vận động người dân bàn giao mặt bằng...
Tại quận Tân Bình, có diện tích thu hồi nhiều nhất với 339 trường hợp, trong đó đã có 307 hộ bàn giao mặt bằng.
Phần giải tỏa mặt bằng tại khu vực đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đã gần như hoàn thiện.
Một căn nhà hiếm hoi còn lại trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đang chờ tháo dỡ bàn giao mặt bằng.
Tại đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), trong 74 trường hợp ảnh hưởng, hiện đa số mặt bằng ở đây đã được giải phóng, bàn giao cho đơn vị thi công dự án.
Phần lớn các căn nhà ở diện giải tỏa trên đường Cách Mạng Tháng 8 đều đã được tháo dỡ, chỉ còn lại những nền đất trống.
Còn số ít căn nhà đang trong quá trình được tháo dỡ, giải tỏa mặt bằng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình).
Ông Trần Văn Đức (85 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết căn nhà của gia đình bị giải tỏa chiều ngang khoảng 5m, chiều dài 11m từ mặt đường vào. Hiện tại gia đình ông đã tu sửa phần còn lại của căn nhà để tiếp tục sinh sống.
"Giá đền bù mặt bằng thấp hơn giá thị trường, nhưng đây là dự án của nhà nước, cũng vì lợi ích giao thông cho người dân nên mọi người phải chấp nhận và ủng hộ. Giải tỏa hoàn tất rồi, hy vọng sớm khởi công xây dựng metro để người dân thuận tiện đi lại, mặt bằng không bị bỏ trống", ông Đức chia sẻ.
Đa phần các hộ dân có nhà bị giải tỏa hiện đã về nơi tái định cư mới. Những ngôi nhà, công trình bị phá dỡ một phần tiếp tục được tu sửa để kinh doanh, sinh sống bình thường trở lại.
Sau khi giải tỏa xong mặt bằng, dự án sẽ xây dựng 9 nhà ga ngầm trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và một nhà ga trên cao. Tại các nhà ga sẽ xây dựng các lối lên xuống ngầm kết nối các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại dịch vụ lân cận nhà ga.
Mặt bằng khu vực đường Trường Chinh (quận Tân Bình) trở nên thông thoáng. Không còn cảnh buôn bán lấn chiếm lề đường, người dân thoải mái di chuyển trên vỉa hè sau khi giải tỏa.
Trong báo cáo mới nhất vừa gửi UBND TPHCM, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư), để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, (MAUR - chủ đầu tư) kiến nghị UBND TP xem xét chỉ đạo Thanh tra TP và Sở TN-MT khẩn trương tham mưu giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của quận 3.
Đồng thời, Sở TN-MT sớm xem xét thẩm định và phê duyệt hồ sơ bồi thường theo hiện trạng, hỗ trợ di dời tạm hệ thống cáp viễn thông của các đơn vị có liên quan.
Theo kế hoạch dự kiến, tuyến Metro số 2 đưa vào khai thác năm 2026. Tuy nhiên, sau khi (MAUR - chủ đầu tư) trình xin ý kiến đồng thuận của các nhà tài trợ dự án về tiến độ hoàn thành tuyến metro số 2 đến năm 2030. Như vậy, tuyến metro số 2 sẽ tiếp tục lùi thời gian hoàn thành thêm 4 năm so với mốc năm 2026 dự kiến trước đó.
Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỉ đồng, dài 11,2 km, sau khi nối tuyến đến bến xe An Sương (9,4km) rồi Tây bắc Củ Chi (gần 29km) sẽ có chiều dài 48km - là tuyến metro xuyên tâm dài nhất TPHCM.
Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, 3b, 4 và 6 (nhà ga metro số 2 tại Bà Quẹo sẽ kết nối với tuyến số 6) tạo thành hệ thống đường sắt đô thị thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố.
Đồng thời góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến đường "xuyên tâm" của TP.