1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tòa xử nghiêm với dân, ưu ái cán bộ?

(Dân trí) - “Cử tri cho rằng tòa xử nghiêm với dân còn cán bộ được ưu ái hơn. Việc xử nhẹ đang làm giảm lòng tin của dân và quyết tâm phòng chống tội phạm tham nhũng của cơ quan chuyên trách, trong đó có tòa án”, đại biểu Phạm Xuân Thường nói.

Phiên chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình ngoài vấn đề án oan, ép cung bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, đại biểu Quốc hội cũng nêu hàng loạt câu hỏi liên quan đên vấn đề nương nhẹ trong các vụ án tham nhũng.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) cho rằng, tham nhũng thuộc nhóm tội nghiêm trọng cần phải xử lý rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 cho thấy nhiều tòa án đang xét xử loại tội này rất nhẹ, có tòa hơn 2 năm xử 10 bị cáo tham nhũng thì cả 10 bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; có tòa 1 tỉnh trong hơn 2 năm xử 9 bị cáo thì 8 bị cáo cho hưởng án treo.

Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng, xử nhẹ tham nhũng làm giảm lòng tin của nhân dân
Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng, xử nhẹ tham nhũng làm giảm lòng tin của nhân dân

“Cử tri cho rằng tòa án xử nghiêm với dân còn cán bộ thì ưu ái hơn và họ còn cho rằng khó có thể không có tiêu cực từ việc áp dụng hình phạt cho hưởng án treo ở các trường hợp cụ thể trên. Việc xử nhẹ đang làm giảm lòng tin của người dân và quyết tâm phòng, chống tội phạm tham nhũng của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng trong đó có tòa án. Tôi nhất trí với quan điểm cho rằng án treo nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là áp dụng hình phạt án treo đúng pháp luật hay không”, đại biểu Thường nêu.

Đại biểu Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) còn đưa ra dẫn chứng cụ thể trong xét xử các vụ án tham nhũng, tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử lý dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ rất cao, có nơi tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm 80 - 100%.

“Nhân dân cho rằng thực trạng xử lý trên đây không loại trừ dấu hiệu của bao che, tiêu cực, tham nhũng đây là yếu kém đã kéo dài nhiều năm”, đại biểu Trần Thị Dung nêu bản chất vấn đề án treo trong tham nhũng.

Theo đại biểu Trần Thị Dung nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trên có nhiều nhưng vấn đề chính thuộc về lỗi chủ quan của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp vì mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó ngành tòa án có vai trò quan trọng.

“Với trọng trách người đứng đầu ngành, Chánh án có cam kết trước Quốc hội quyết tâm sẽ khắc phục ngay yếu kém trên đến mức thấp nhất trong năm 2014 hay không”, đại biểu Trần Thị Dung đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết quan điểm.

Trả lời những băn khoăn của đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, với những vụ án tham nhũng trọng điểm chiếm đoạt, gây thất thoát lớn tiền bạc của nhà nước, tòa án đều đưa ra xét xử nghiêm minh với mức án cao nhất theo cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận ở địa phương tồn tại thực trạng như đại biểu nêu nhưng ở một số vụ án tham nhũng nhỏ nhưng đã phát hiện được và đã kháng nghị.

Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng, xử nhẹ tham nhũng làm giảm lòng tin của nhân dân
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến án oan và xử còn nương tay với tham nhũng

Ông Bình cho biết, những vụ án tham nhũng cho hưởng án treo không đúng pháp luật gần như đã được khắc phục. Một số vụ như Ủy ban Tư pháp đã thẩm định là của nhiều năm chứ không phải một năm. Ngoài ra, theo ông Bình ngành tòa án cũng đã đình chỉ một số vụ cho hưởng án treo không đúng pháp luật.

“Những vụ còn trong thời hạn thì đều đã kháng nghị để giải quyết lại. Chúng tôi xem lại cũng có một số vụ thôi chứ không phải nhiều như ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Quảng Trị tập trung mỗi nơi một vụ. Có nơi cho hưởng án treo cả 6 - 7 trường hợp - những trường hợp này chúng tôi đang cho thẩm phán kiểm điểm. Chúng tôi không chỉ xử lý kiểm điểm đối với thẩm phán mà còn xử lý trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu”, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định.

Quang Phong

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau