1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

“Toà nhà Quốc hội phải hiện đại, uy nghi...”

(Dân trí) - Có rất nhiều ý kiến khác nhau của các uỷ viên Thường vụ Quốc hội về thiết kế, công năng, tên gọi của toà nhà sẽ được xây trên nền của Hội trường Ba Đình. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất, toà nhà phải hiện đại, uy nghi, mang bản sắc dân tộc...

Sáng nay (01/04), Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Hồng Quân đã thay mặt Chính phủ báo cáo với Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội.

Về phương án kiến trúc, UBTVQH đồng ý với đề xuất của Chính phủ chọn phương án đoạt giải A (mã số L787) đã nâng cấp. Theo phương án này, vị trí xây dựng công trình có thể lùi tối đa 20 m từ phía đông khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay, cửa chính sẽ quay về phía Lăng Bác. Các di tích hiện vật lịch sử nếu phát lộ trong quá trình khảo cổ phần diện tích bổ sung sẽ được chọn lọc đưa vào bảo tàng.

Tuy nhiên, về thiết kế cụ thể của toà nhà vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau khi đưa ra thảo luận. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, thiết kế hiện tại chưa đạt về phong thuỷ. Theo ông Hiển, khu sảnh tầng 2 của toà nhà thiết kế theo hướng lõm vào là thể hiện chiều “âm”, không thể hiện sự mạnh mẽ. Thêm nữa, riêng phần bên trên, thiết kế theo hướng to dần lên tạo cảm giác dồn nén xuống và không thoát.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh, ông Lê Quang Bình cũng cho rằng, với tổng thể hình vuông, phần trên của toà nhà nên là hình cầu. Với thiết kế như hiện tại (hình bánh dày bên trên) theo ông Bình sẽ tạo nên cảm giác về khối nặng ở bên trên.

“Toà nhà Quốc hội phải hiện đại, uy nghi...” - 1
Phối cảnh phía trước toà nhà
 
Về bố trí các cơ quan của Quốc hội, theo giải thích của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, tập trung bộ máy Quốc hội vào một địa điểm là khó vì số lượng các Ủy ban có thể còn thay đổi. Tuy nhiên, các đại biểu UBTVQH đã có ý kiến khác nhau về việc các cơ quan của Quốc hội sẽ không được tập trung ở tòa nhà mới này.

“Quốc hội hoạt động theo cơ chế tập thể nên không thể để lãnh đạo Quốc hội và các Uỷ ban tách rời, ở xa nhau”, ông Lê Quang Bình nêu ý kiến. Theo ông Bình, dù không thể để tất cả các cơ quan của Quốc hội ở trong toà nhà, nhưng ít nhất các UB ở trong toà nhà mới và toà nhà ngoại giao gần đó. Một số cơ quan tương đối độc lập có thể ở xa hơn một chút.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng lại cho rằng, ở trong toà nhà mới chỉ nên có phòng làm việc của các lãnh đạo Quốc hội. Bà Phóng cho rằng, việc thống nhất là trong chỉ đạo, không nhất thiết phải tập trung tất cả các cơ quan của Quốc hội về đây...

Về phòng họp, bà Phóng cho biết, bà đã đến Quốc hội Anh, Pháp, EU, các phòng họp thiết kế theo hình tròn giúp phát huy được tầm nhìn. Chúng ta cần tham khảo thêm, nhưng hướng thiết kế theo hình này cần tiếp tục phát huy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Nhà Quốc hội là công trình lớn, có ý nghĩa nhiều mặt và sử dụng lâu dài, có thể hàng trăm năm, tương ứng với qui mô dân số lên đến 150 triệu người. Theo ông Lưu công trình phải thể hiện sự hiện đại, uy nghi, thể hiện được quyền lực của cơ quan đại diện cho người dân. Các hoạ tiết thể hiện được đặc trưng văn hoá dân tộc, thể hiện sự minh bạch, trong sáng... Các ý tưởng cần được gửi vào mỗi chi tiết.

Riêng tên gọi của toà nhà vẫn chưa thống nhất và đến nay đã có các phương án tên gọi là Nhà Quốc hội, Toà nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới... Về chức năng của toà nhà, cụ thể là việc sử dụng vào các hoạt động nào ngoài hai kì họp hàng năm của Quốc hội cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau trong Thường vụ Quốc hội.

Mạnh Cường