Tòa không được công khai bản án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi
(Dân trí) - Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tòa án không được công khai bản án, quyết định của tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của tòa.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa có Nghị quyết số 06/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141- 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ ngày 5/11).
Theo nghị quyết này, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, toà án không được công khai bản án, quyết định của toà án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của toà án.
Đồng thời không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe doạ, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại; đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên toà; buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên toà.
Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục: Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức, lợi dụng chức vụ- quyền hạn, lợi dụng nghề nghiệp, công việc và xâm hại người dưới 13 tuổi.
“Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi”- nghị quyết nêu rõ.
Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
Khi xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, toà án phải xét xử kín, tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án.
Hạn chế triệu tập bị hại dưới 18 tuổi tới toà
Nghị quyết yêu cầu toà án phải phân công thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; xử án tại phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định và có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
Căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, toà án cần hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên toà nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến toà án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, ghi âm, ghi hình có âm thanh,…).
Vụ án xâm hại tình dục vừa được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử.
Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên toà, toà án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường toà án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, tivi, camera…) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên toà.
Nếu không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 3m.
Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, trình độ văn hoá, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Toà án chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án, không đặt câu hỏi để tranh luận.
Thế Kha