1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tòa án mới có quyền đưa người nghiện đi cai, người dân méo mặt!

(Dân trí) - Muốn đưa người nghiện đi cai, thủ tục quá phức tạp, phải mất hàng năm trời mới xử lý được vì phải làm hồ sơ, chờ 3-6 tháng, đợi quyết định của… tòa án. Từ thực tế đó, TPHCM muốn có cơ chế riêng đề xử lý người cai nghiện bắt buộc...

Khơi mào nội dung thảo luận về vấn đề đưa người nghiện đi cai bắt buộc trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại tổ ngày 21/10 của đoàn ĐBQH TPHCM, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đặt vấn đề, thủ tục cho việc này quá phức tạp.

Cụ thể, từ giữa tháng 2/2014, theo quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Chính phủ ban hành, tòa án chứ không phải chính quyền địa phương có quyền ra quyết định cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy. Quy định này làm cho việc phân loại đối tượng gặp khó và kéo dài thời gian chờ đợi cai nghiện của đối tượng bắt buộc cai nghiện.

“Như vậy, tòa án ra quyết định đưa ai đi cai nghiện ma túy thì cũng giống như đưa họ vào tù?’ – đại biểu Ánh băn khoăn.
Phiên thảo luận tại đoàn ĐBQH TPHCM.
Phiên thảo luận tại đoàn ĐBQH TPHCM.

Thủ tục phức tạp khiến việc quản lý người nghiện ma túy trên thực tế rất khó khăn. Đặc thù của TPHCM, vấn đề người nghiện ma túy đã không đơn giản. Vậy mà thành phố còn chịu áp lực "gánh" lượng dân nghiện ma túy ở các tỉnh, thành lân cận dồn về, số người nghiện sống vô gia cư rất lớn. Việc kiểm soát số lượng người nghiện trên địa bàn, vì thế, không hề đơn giản.

Trong khi đó, khi muốn đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung thì phải có phán quyết cùa tòa án, trước đó, điều kiện cần và đủ là người nghiện phải được tổ chức quản lý, cai nghiện ở địa phương từ 3-6 tháng không có kết quả mới đưa đi được. Nhưng đa số người nghiện đều vô gia cư, không thể quản lý được.

Những phân tích xác đáng của Phó Chánh án TAND TPHCM, được nhiều đại biểu trong tổ tán đồng.

Đại biểu Lê Đông Phong - Phó Giám đốc sở Công an TPHCM cũng nhận định, vừa qua, tuy chưa có thống kê riêng chính thức, nhưng thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa tình trạng nghiện ma túy với trộm cắp cướp giật, tệ nạn xã hội. Trong khi đó, Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính lại khiến cho thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc trở thành rất phức tạp, có trường hợp “phải mất hàng năm trời mới xử lý được”.

Đại biểu cho rằng: “Có lẽ cơ quan quản lý đã chưa lường được khả năng quản lý của mình nên xây dựng pháp luật chưa sát thực tế. Tới đây, đề nghị quan tâm điều chỉnh theo hướng cho phép tòa áp dụng thủ tục giản lược khi ra phán quyết buộc người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng bày tỏ lo lắng về tình hình trị an của TPHCM khi vừa qua, nạn ma túy bùng phát trở lại, nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó có yếu tố luật pháp. Trước đây, việc áp dụng biện pháp buộc cai nghiện là do UBND cấp cơ sở quyết định nhưng hiện tại, quy định được sửa theo hướng chặt chẽ hơn, việc áp dụng biện pháp này cần đưa ra tòa án xem xét. Bất cập theo ông Đương, TPHCM hiện có tới 20.000 người nghiện nhưng tòa án mới đưa được hơn 4.500 trường hợp đi cai bắt buộc. Điều này dẫn đến việc tội phạm tăng, gây rối trật tự xã hội.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huỳnh Thành Lập thẳng thắn, trong lúc chờ đợi phải nộp hồ sơ, đợi hồ sơ được phê duyệt và có quyết định từ tòa án, TPHCM rất muốn có được một cơ chế riêng đề xử lý người cai nghiện bắt buộc, tránh gây bất ổn an ninh cho xã hội.

Nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng có cùng đề xuất, phải có giải pháp tình thế để giải quyết bất cập trong xử lý người cai nghiện, có thể bằng một nghị quyết của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cảnh báo: “Đây là việc không thể chần chừ nữa. Nói là tôn trọng quyền con người, đối xử nhân văn trong vấn đề xử lý người nghiện ma túy không nên hiểu cứng nhắc vì quyền của người này không được ảnh hưởng tới người khác. Để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm”.

P.Thảo