Tổ chức, hoạt động của thanh tra quốc phòng sẽ như thế nào?
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng vừa gửi đề xuất mới nhất về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra quốc phòng tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Dự thảo lần 4 Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.
Bộ Quốc phòng nêu tính cấp thiết
Theo Bộ Quốc phòng (cơ quan soạn thảo), tổ chức các cơ quan thanh tra quốc phòng được xây dựng thành hệ thống từ Thanh tra Bộ Quốc phòng đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quân sự, quốc phòng, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm; đồng thời tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khắc phục những sơ hở trong thể chế, chính sách hiện hành.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Xiển, Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra quốc phòng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 hồi đầu năm nay (Ảnh: Quân đội nhân dân).
Một số cơ quan, đơn vị mới được thành lập theo Nghị định số 01/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng đã có tổ chức thanh tra, nhưng chưa được quy định trong Nghị định 33/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng, gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (gọi tắt là Bộ Tư lệnh 86), gây ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra.
Hơn nữa, Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh tổ chức lực lượng tinh, gọn, mạnh. Trong đó giải thể Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4; thành lập Quân đoàn 12, Quân đoàn 34. Hợp nhất Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật thành Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
"Các đơn vị mới được thành lập có quân số đông, vũ khí trang bị đa dạng, địa bàn hoạt động rộng, nhiệm vụ được giao lớn. Do đó, việc thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị này là hết sức quan trọng và cần thiết", Bộ Quốc phòng nêu quan điểm.
Bộ Quốc phòng khẳng định, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng (thay thế Nghị định 33/2014) hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo đồng bộ với Luật Thanh tra năm 2022.
Đề xuất các cơ quan thanh tra quốc phòng
Điều 9 dự thảo Nghị định nêu rõ, các cơ quan thanh tra quốc phòng gồm: Thanh tra Bộ Quốc phòng; Thanh tra Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục; Thanh tra quốc phòng quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Thanh tra quốc phòng Bộ đội Biên phòng; Thanh tra quân chủng, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, Bộ Tư lệnh 86, Cảnh sát biển Việt Nam, Thanh tra Cục Tài chính;
Thanh tra quốc phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra quốc phòng Bộ Tư lệnh TPHCM (Thanh tra quốc phòng cấp tỉnh).
Theo cơ quan soạn thảo, các nội dung này cơ bản kế thừa Nghị định 33/2014 và bổ sung quy định các tổ chức thanh tra, gồm: Thanh tra Cảnh sát biển Việt Nam, Thanh tra Bộ Tư lệnh 86, Thanh tra Cục Tài chính; đưa Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào nhóm thanh tra quốc phòng quân khu.
Đồng thời, dự thảo quy định rõ thanh tra quốc phòng cấp tỉnh gồm: Thanh tra quốc phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh TPHCM.
"Hiện nay Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh 86 đã thành lập tổ chức thanh tra và đang hoạt động hiệu quả giúp tư lệnh quản lý, chỉ đạo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc quy định tổ chức thanh tra của các đơn vị này vào nội dung nghị định là quan trọng và hết sức cần thiết", Bộ Quốc phòng cho hay.
Lý do đưa Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào nhóm thanh tra quốc phòng quân khu, theo Bộ Quốc phòng, vì Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt trong cả nước, dân số đông, tập trung nhiều đơn vị quân đội.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị hành chính thuộc UBND TP Hà Nội, có địa bàn hoạt động rộng, quân số đông, vũ khí trang bị lớn. Do đó, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng hết sức nặng nề.
Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được biên chế 5 cán bộ, gồm chánh thanh tra, một phó chánh thanh tra và 3 thanh tra viên. Về biên chế và nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tương đương với thanh tra các quân khu.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và các chức danh khác đối với thanh tra quốc phòng các cấp thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những nơi không có cơ quan thanh tra xử lý ra sao?
Dự thảo đề xuất, Thanh tra Bộ Quốc phòng chịu sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra quốc phòng các cấp chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, chỉ huy của người chỉ huy cùng cấp, sự chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan thanh tra quốc phòng cấp trên trực tiếp.
Quan hệ giữa cơ quan thanh tra quốc phòng các cấp với các cơ quan thanh tra các bộ, ngành, địa phương là mối quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.
Các cơ quan, đơn vị trong quân đội từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên không có cơ quan thanh tra, không được biên chế chức danh thanh tra thì người chỉ huy chịu trách nhiệm và phân công cán bộ của cơ quan chính trị thuộc quyền hoặc trợ lý chính trị đảm nhiệm chức năng tham mưu, hướng dẫn và thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo quy định.