1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tỉnh ủy lộng lẫy như cung điện giữa tỉnh nghèo

(Dân trí) - “Tôi chắc chắn mọi người đều biết đến trụ sở tỉnh ủy lộng lẫy như cung điện, rộng như nơi du lịch thắng cảnh. Nhưng đây là nơi phục vụ nhân dân, sao phải làm thế trong khi người dân còn rất nghèo” – Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói.

Ngày 19/9, UB Thường vụ QH có phiên thảo luận về việc thực hiện pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, nghi ngại báo cáo lạm dụng nhiều cụm từ để đánh giá kết quả một cách mạnh mẽ quá như “Chính phủ đã rất quyết liệt”, “đạt được những kết quả quan trọng”… trong khi năm 2013 mới trôi qua hơn 8 tháng và vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. “Dự án cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vướng giải phóng mặt bằng, càng để lâu càng lãng phí. Thực tế còn khó khăn lắm, không đơn giản như báo cáo các đồng chí nêu đâu!” - ông Sơn dẫn chứng.

Ghi nhận con số báo cáo năm 2013, tổng số tiền các tỉnh, DN tiết kiệm được hơn 6.000 tỷ đồng (tính cả khối cơ quan TƯ, bộ ngành, khoản tiết kiệm được gần 16.000 tỷ) Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước không hài lòng vì số liệu đánh giá về lãng phí lại chua tổng hợp được để cân nhắc xem cái được cái mất ra sao.

Nói lại về quyết định của Chính phủ áp dụng trong 2 năm qua về việc giảm chi đầu tư các công trình trọng điểm, ông Phước “kêu” việc này gây lãng phí lớn khi đi đến đâu cũng thấy những công trình, dự án dở dang. Theo đó, những khoản đầu tư ban đầu rót vào số dự án, công trình này coi như mất luôn, để phơi mưa nắng hàng nghìn tỷ đồng, vừa mất tiền vừa không có công trình để sử dụng.

Các thành viên UB Thường vụ QH cũng chỉ ra những hình thức lãng phí khác vẫn biểu hiện từ nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục hiệu quả như lãng phí đất đai do công tác quy hoạch, cấp giấy phép đầu tư; lãng phí vốn nhà nước sau khi dừng, đình hoãn hàng loạt công trình theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; lãng phí con người khi có một bộ phận công chức làm việc không hiệu quả; lãng phí thời gian do thủ tục hành chính…
 
 
Tỉnh ủy lộng lẫy như cung điện giữa tỉnh nghèo
Chủ tịch Hội đồng dân tộc: "Số tiền tiết kiệm được báo cáo nhưng số lãng phí lại không có để so sánh".

Chỉ thêm một vấn đề nữa trong báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ là việc giải ngân ngân sách, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ dù có tiến bộ so với 2012 nhưng vẫn chậm, ông Phước lập luận: “Đồng tiền chậm đưa vào lưu thông rõ ràng giá trị sẽ ít hơn. Đây cũng là một nội dung cần đưa ra bàn để chống lãng phí”.

Nhấn mạnh về lĩnh vực được xem là lãng phí nhất – quản lý, sử dụng đất đai, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nhận xét, công tác quản lý, sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Tình trạng để đất hoang hóa, quy hoạch treo xử lý chậm ở một số địa phương.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc “phê” báo cáo chỉ dừng ở một câu nhận định mà không thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề. Theo ông Phước, quan trọng nhất là phải chỉ được đích danh những cơ quan đơn vị lãng phí trong sử dụng đất đai.

Dẫn chứng cụ thể về đất đai để làm trụ sở các cơ quan nhà nước, ông Phước quả quyết, đi nhiều tỉnh thấy nơi thì trụ sở chật hẹp, nơi lại rộng mênh mông như một… công viên. Tương tự, việc xây dựng công sở, nhiều tỉnh, các cơ quan đều được thiết kế với công năng sử dụng gần như kín nhưng cũng không thiếu nơi xây dựng công sở như cung điện, đẹp và lộng lẫy, rộng như nơi du lịch thắng cảnh.

“Tôi chắc chắn mọi người ngồi đây đều biết đến trụ sở tỉnh ủy lộng lẫy đó. Nhưng phải thấy đây là nơi phục vụ nhân dân, sao phải làm thế trong khi người dân mình còn rất nghèo” – ông Phước đề nghị xây dựng cơ chế kiểm soát việc này và công bố công khai cho cả nước biết và giám sát.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng nghi ngại vì dù Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ nhưng vẫn còn hiện tượng cán bộ cơ quan nhà nước đi xe rất sang mà theo ông Phước, những người này không hẳn là cán bộ cao cấp, chỉ ở tầm Cục trưởng, Tổng Cục trưởng (dưới cấp Bộ trưởng), đi xe biển xanh quá nhiều lần tiêu chuẩn, định mức.

Rất nhiều ví dụ phong phú được Chủ tịch Ksor Phước dẫn ra. Về lĩnh vực quy hoạch, ông Phước chỉ ngay một cảnh “gai mắt” ở Hà Nội. Đoạn đường Hào Nam – Đê La Thành đang mở rộng với cả đường bộ và tuyến đường sắt trên cao thi công song song mà tự nhiên mọc lên một cột điện lớn của đường dây 500kv chắn cả 2 loại đường. Nhận định chắc chắn chiếc cột điện mới làm đó sẽ phải “hi sinh” nếu không muốn… nắn đường, ông Phước khẳng định đó là sự lãng phí thấy rõ, ai cũng có thể nhìn thấy mà vẫn được triển khai ngay giữa trung tâm Hà Nội.

Nói tóm lại, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa chỉ ra được điểm cốt yếu của Việt Nam hiện nay. Yêu cầu cần biện pháp quản lý hiệu quả hơn gắn với trách nhiệm người đứng đầu, ông Phước thẳng thắn: “Nếu không dám nói, không dám hành sự thì phải chịu trách nhiệm trước QH, không làm được thì để người khác làm”.

“Giải trình” thêm về gợi ý này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng phải quy trách nhiệm được cho người đứng đầu. Để được vậy thì phải trao quyền cho người đứng đầu trong việc quyết định các phương án tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị.

Một trong những biện pháp Bộ Tài chính đưa ra là “công bố công khai những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có hình thức kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm