1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An

Tình người trong ngôi nhà nát

(Dân trí) - Cha tù tội, mẹ tâm thần, 3 đứa trẻ như đá cuội, côi cút giữa đời. Xót thương 3 đứa trẻ, bà Quế bao bọc, nuôi nấng chúng trong vòng tay, tấm lòng của người bà, người mẹ dẫu chẳng máu mủ và không đợi sự đền ơn.


Nếu không tận mắt chứng kiến, thì chẳng tài nào hình dung nổi, ở địa phương vùng đồng bằng chỉ cách thành phố Vinh hơn 40km vẫn có người sống trong căn nhà thủng tứ phía bằng gỗ, hở hoác, mái lợp lá cọ. Ngôi nhà tuềnh toàng, rách nát đó là nơi cư ngụ của người phụ nữ 60 tuổi, góa chồng đã hơn chục năm nay và là tổ ấm mới của 3 đứa trẻ đáng thương.

3 đứa trẻ “mồ côi” khi còn có cha, có mẹ

Bà Vương Thi Quế (SN 1954, trú tại đội 1 Kim Thanh, Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) đón, mời chúng tôi vào thăm nhà với cái sự nhiệt tình, quý khách của người nhà nông. Dẫu ngôi nhà thấp lè tè lợp mái cọ đó chỉ là chỗ chui ra, chui vào đúng nghĩa: Nền đất, bốn bề thưng gỗ hở hoác đón gió, đón nắng trời lồng lộng; chiếc ti vi cũ kỹ là tài sản đáng giá nhất trong nhà.

Trên chiếc giường ọp ẹp, run rẩy, rên xiết kẽo kẹt, ba đứa trẻ lăn lộn chơi đùa. Cái sự chơi đùa hồn nhiên, tiếng cười lanh lảnh của trẻ như điểm sáng, tỏa hơi ấm bừng lên trong căn nhà lạnh. Chắc rằng ai cũng nghĩ rằng 3 đứa trẻ ấy chẳng biết đến buồn phiền, lo nghĩ thế nhưng hoàn cảnh chúng quả thật rất bi đát.

Ngôi nhà rách nát, tứ bề gió lùa của bà Vương Thị Quế.
Ngôi nhà rách nát, tứ bề gió lùa của bà Vương Thị Quế.

Ba cháu Hoàng Thị Phương Dung (SN 2004), Hoàng Thị Phương Ngân (SN 2006) và Hoàng Trọng Đức (18 tháng tuổi) là con của anh Hoàng Trọng Đông (SN 1973) và chị Đậu Thị Vân, trú cùng xóm với bà Quế. Năm 2013, Hoàng Trọng Đông chịu án 20 năm tù giam do tham gia vào một vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Ngày cha trả giá cho sai phạm của mình, cháu Đức còn trong bụng mẹ.

Sau khi sinh hạ cháu Đức, chị Đậu Thị Vân bắt đầu có những biểu hiện không bình thường. Chị Vân bỏ con ở nhà, lang thang khắp nơi. Có lần, khi đưa cháu thứ hai là Phương Ngân xuống Tp Vinh, Vân bắt con lên xe khách để đi tiếp nhưng bé Ngân không chịu. Hai mẹ con giằng co khiến mấy đồng chí Công an Tp Vinh chú ý và giữ lại. Được phát hiện có dấu hiệu của bệnh tâm thần, chị Vân được đưa đến một cơ sở xã hội để điều trị. 

Từ khi bố bị bắt, mẹ đi chữa bệnh, 3 chị em Dung bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình. Ông bà nội, ngoại đều đã mất, các bác các cô đều ở rất xa, trong làng chỉ có gia đình người chị gái của bố ở gần nhưng cũng bận bịu chuyện gia đình, con cái, không có điều kiện quan tâm nhiều đến các cháu.

Bà Nguyễn Thị Lý, người cùng xóm thương cảm kể: “Hoàn cảnh chúng nó thế, ai mà chẳng thương. Thương nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể cho các cháu bữa cơm, bữa cháo, tấm bánh thôi chứ làm sao mà đưa về nhà mình nuôi được. 3 đứa trẻ, đứa lớn 11 tuổi, đứa thứ hai 7 tuổi, thằng Đức khi đó mới 15 tháng tuổi”.

Từ ngày không còn vòng tay của cha mẹ, Dung phải bỏ học ở nhà trông em Đức. Thằng bé khát sữa, đói ăn, khóc ngằn ngặt cả ngày…

Tấm lòng của người phụ nữ góa bụa

Lắt lay như cỏ dại mùa gió nổi, có thể bật gốc bất cứ lúc nào. Nhưng rồi ba đứa trẻ ấy đã gặp được “bà tiên” nhận chở che, đùm bọc. Dẫu rằng “bà tiên” Vương Thị Quế không có phép nhiệm màu, chỉ có tấm lòng “thương người như thể thương thân”.

Ba chị em Phương Dung, Phương Ngân và Trọng Đức trong ngôi nhà thứ 2 của mình.
Ba chị em Phương Dung, Phương Ngân và Trọng Đức trong ngôi nhà thứ 2 của mình.

Chồng bà Quế qua đời sau cơn bạo bệnh vào năm 2002, người con gái đã thành gia lập thất ở xã bên, người con trai là lái xe rày đây mai đó, bà Quế vẫn thui thủi trong ngôi nhà ọp ẹp, tuềnh toàng của mình. Trước nay, sinh kế của bà Quế dựa vào cấy cày mấy sào ruộng, lúc rảnh rỗi thì đi nấu cơm cho các đơn vị cầu đường tận bên Lào, mỗi tháng được chừng 3-3,5 triệu đồng.

Bà Quế kể ngày gặp gỡ 3 đứa trẻ: “Tháng 12/2014, tôi đi bệnh viện cắt ruột thừa về mới hay chuyện nhà Vân. Tôi bảo các cháu qua nhà tôi ở, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, bà cháu lần hồi qua ngày. Mẹ tôi cũng 97 tuổi rồi, qua nhà thấy các cháu ở với tôi cũng động viên “Con nuôi mấy đứa làm phúc. Sau này chúng nó không trả được ơn thì có trời trả cho…

Tôi nhận các cháu về nuôi không phải vì muốn trả ơn vì tôi thấy cần phải làm như thế. Cha đi tù, mẹ như thế, các cháu đã bi đát lắm rồi, không máu mủ ruột rà nhưng làm ngơ sao đành”, bà Quế nói về việc “bỗng dưng” nhận 3 đứa trẻ về nuôi. Cũng từ đó, bà bỏ bẵng việc nấu nướng cho các đơn vị để ở nhà chăm sóc, nuôi nấng những đứa trẻ hàng xóm.

Bà Quế chăm sóc chị em Dung như người bà, người mẹ chăm sóc cho những đứa con ruột thịt của mình.
Bà Quế chăm sóc chị em Dung như người bà, người mẹ chăm sóc cho những đứa con ruột thịt của mình.

Con trai, con gái bà Quế biết chuyện cũng rất ủng hộ mẹ, mua thêm sữa bỉm, quần áo cho 3 chị em Phương, Dung. Nhưng việc chăm sóc trẻ con, nhất là khi thằng bé Đức mới hơn 1 tuổi không hề dễ dàng gì, đặc biệt là đối với người già như bà Quế.

“Được cái các cháu cũng ngoan. Chỉ có thằng bé Đức, nó khát sữa, rồi sốt quấy khóc suốt ngày. Hôm đầu tiên về đây, một mình nó ăn hết 2 gói cháo. Mấy ngày Tết nó cũng sốt, hai bà cháu cứ “vật nhau” suốt đêm. Nay thì đỡ rồi, lại cun cút chơi với các chị để bà rảnh tay làm việc”, bà Quế cười, nụ cười đôn hậu.

Tháng cuối Đông, đầu Xuân lạnh lẽo, gió cứ lùa qua kẽ hở của những tấm gỗ hun hút vào, 4 bà cháu ôm nhau chống chọi với cái cắt da, cắt thịt khắc nghiệt thời tiết.

60 tuổi, bà trở thành người bận bịu nuôi con mọn.
60 tuổi, bà trở thành người bận bịu "nuôi con mọn".

Tấm lòng của người đàn bà góa bụa đã chạm đến sâu thẳm trái tim của nhiều người. Hàng xóm láng giềng, người biết chuyện đã xúm lại giúp bà Quế nuôi nấng, đùm bọc các cháu. “Người tấm bánh, người vài cân gạo, người vài lạng thịt hay con cá. Vừa rồi UBND xã, rồi huyện cũng về, hỗ trợ các cháu tiền, gạo, quà bánh ăn Tết”, bà Quế vui vẻ khoe.

Sau thời gian nghỉ học ở nhà trông em, bà Quế phải dắt Dung lên ủy ban, đề đạt ý kiến với lãnh đạo để cháu có thể trở lại trường học… Từ ngày 3 chị em Phương Dung về sống cùng, người đàn bà 60 tuổi này bận rộn với việc “nuôi con mọn”. Sáng 4h30, bà lọ mọ dậy nấu cơm. Dung và Ngân thì tự ăn cơm được, còn phần cơm của bé Đức thì phải giã với muối vừng rồi bón. Trưa, một tay bế Đức, một tay nấu nướng cho chị em Dung đi học về ăn. Rồi tắm rửa, giặt giũ cho các cháu, tất tần tật đến tay bà.

60 tuổi, bà trở thành người bận bịu nuôi con mọn.
Bà Quế tâm sự, bà đưa 3 đứa trẻ về chăm sóc không phải để đợi trả ơn mà vì không đành khi thấy 3 đứa trẻ bơ vơ.

Hết việc nhà, bà Quế lại tất tả sang nhà bố mẹ Dung lo cho đàn lợn đẻ, con gà, con chó bên ấy. Người cô của chị em Dung cũng chạy qua chạy lại phụ bà Quế chăm sóc các cháu, chăm lo nhà cửa, vườn tược giúp em. “Nhiều người trong, ngoài xóm cám cảnh 4 bà cháu trong ngôi nhà trống trước, hụt sau đã đề nghị đưa các cháu về nhà mình chăm sóc. Chẳng hiểu sao chăn ấm nệm êm, ăn uống đầy đủ thế mà được 1 hôm con bé Dung lại dắt díu các em về với bà Quế. Cũng là đàn bà như nhau, thương các cháu thì ai cũng thương nhưng làm được như bà Quế không phải ai cũng làm được, kể cả tôi cũng vậy”, bà Lý chia sẻ về người hàng xóm của mình.

Ông Phan Chính Tâm – Chủ tịch UBND xã Võ Liệt không tiếc lời ca ngợi, cảm phục về hành động đẹp của bà Võ Thị Quế: “Làm được như bà Quế hiếm lắm, không phải ai cũng làm được đâu. Phải là người có lòng thương con trẻ, không toan tính thiệt hơn mới đưa 3 đứa trẻ không có quan hệ huyết thống về nuôi nấng, chăm sóc như con cháu trong nhà. Cán bộ ủy ban xã cũng đóng góp ngưởi ít, người nhiều, rồi ưu tiên các phần quà Tết để 4 bà cháu bớt khó khăn trong giai đoạn trước mắt”.

Ngôi nhà tuềnh toàng, rách nát ấm ấp hơn bởi tình người ngập tràn từng ngõ ngách.

Ngôi nhà tuềnh toàng, rách nát ấm ấp hơn bởi tình người ngập tràn từng ngõ ngách.

Khi biết bà Quế nhận chăm sóc chị em Phương Dung, lãnh đạo xã cũng đã nghĩ tới phương án để bà Quế nhận các cháu làm con nuôi nhưng chiếu theo các quy định hiện hành lại không được. “Hiện tại, chính quyền địa phương đang cố liên lạc với người thân của các cháu trong miền Nam để có phương án tối ưu nhất cho các cháu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn tiếp tục động viên bà Quế chăm sóc các cháu”, ông Tâm cho biết thêm.

“Mệt một tý nhưng vui cô ạ. Có bà, có cháu, căn nhà cũng đỡ lạnh hơn. Mẹ thằng Đức vì bệnh tật mà phải xa các con chứ làm mẹ, ai nỡ bỏ rơi con cái mình. Còn tội của thằng Đông thì đã có pháp luật xử lý. Mấy đứa trẻ này có tội tình chi? Phải xa cha, xa mẹ đã là khổ lắm rồi. Tôi sẽ chăm các cháu, khi nào bố mẹ các cháu về thì bàn giao lại”, bà Quế vui vẻ nói.

Được khách tặng đôi giày mới, thằng bé Đức vui vẻ đi lẫm chẫm khắp nền đất. Chạy nhảy chán, nó trèo lên ghế, bá cổ bà Quế cười khanh khách. Ngôi nhà rách nát ngập tràn tình người ấm áp...

Hoàng Lam