1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tình huống trưng dụng tài sản khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp

Ngọc Tân

(Dân trí) - Dự thảo luật xác định hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai hay an ninh quốc gia bị đe dọa... là những tình huống có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp.

Bộ Quốc phòng vừa trình Chính phủ dự thảo đề cương của Luật Tình trạng khẩn cấp với 76 điều, quy định các nguyên tắc khi quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng riêng một luật về Tình trạng khẩn cấp là cần thiết do các quy định về tình trạng khẩn cấp đang rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng.

Trong tờ trình, Bộ Quốc phòng định nghĩa "Tình trạng khẩn cấp" là tình huống ngoại lệ, bất thường và nguy hiểm do thiên nhiên hoặc con người gây ra; đe dọa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, sức khỏe của nhân dân; đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng những biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả đã hoặc sẽ xảy ra.

Tình huống trưng dụng tài sản khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp - 1

Đỉnh dịch Covid-19 năm 2021 là thời điểm Việt Nam đến gần với một quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp. Sau dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính giải thích các cấp lãnh đạo quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng đã áp dụng các biện pháp như tình trạng khẩn cấp.

Dự thảo của Bộ Quốc phòng cũng xác định tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố khi có thảm họa lớn như thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng; khi quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của đất nước bị đe dọa.

Tại địa bàn được ban bố tình trạng khẩn cấp, cơ quan chức năng có quyền dừng hoạt động trường học, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, cơ sở tôn giáo; kiểm soát giá hàng hóa thiết yếu; đình chỉ hoạt động vận tải; trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân; kiểm duyệt hoặc thu hồi sản phẩm, phương tiện thông tin đại chúng; giải tán bãi công, bãi khóa, biểu tình; trấn áp bạo loạn...

Ngoài những biện pháp mang tính thu hẹp quyền và lợi ích nêu trên, dự thảo đề cương cũng nêu cơ chế phân bổ hỗ trợ, cứu trợ cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là các nhóm chịu thiệt hại do tình trạng khẩn cấp.

Tài sản của tổ chức, cá nhân bị trưng dụng để phục vụ tình trạng khẩn cấp sẽ được hoàn trả. Trường hợp tài sản bị thiệt hại, tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định.  

Tình huống trưng dụng tài sản khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp - 2

Loạt chung cư chưa có người ở tại TPHCM từng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến vào năm 2021 (Ảnh: Hữu Khoa).

Dự thảo xác định Thủ tướng sẽ là cấp đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cấp phê duyệt ban bố tình trạng khẩn cấp. Sau khi UBTVQH thông qua, Chủ tịch nước sẽ công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Trường hợp UBTVQH không thể họp được, Thủ tướng sẽ trực tiếp đề nghị Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp.

Nội dung của Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ bao gồm 5 nhóm thông tin: (1) lý do ban bố; (2) phạm vi địa bàn; (3) ngày giờ bắt đầu; (4) thời hạn áp dụng và (5) thẩm quyền tổ chức thi hành.

Hiện nay, Việt Nam chưa có Luật Tình trạng khẩn cấp. Trước đó, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành vào năm 2000, tuy nhiên đây vẫn là một văn bản dưới luật.

Thời gian tới, Bộ Quốc phòng dự kiến trình dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp để Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).