Quảng Bình:
Tình cô giáo trẻ trong lớp học tranh tre, bàn ghế xiêu vẹo
(Dân trí) - “Trẻ con ở Ka Oóc ngoan và tội nghiệp lắm. Bây giờ, em thấy mình thực sự gắn bó với mảnh đất nghèo khó này”, trò chuyện cùng chúng tôi trong căn phòng tạm bợ, lụp xụp, cô giáo trẻ “cắm bản” Kim Anh khiến chúng tôi không khỏi xúc động, thán phục.
Từ TP Đồng Hới, vượt quãng đường gần 200km lên xã Trọng Hoá - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình như dài thêm sau mỗi con dốc thẳng đứng, khúc cua ngoằn ngoèo. Con đường ngược lên miền biên ải phía tây tỉnh Quảng Bình nhiều nơi vắng vẻ, heo hút.
Tôi và anh bạn đồng nghiệp đi cùng thầm nghĩ có lẽ, các cô thầy phải quyết tâm lắm mới “cõng” nổi con chữ dưới xuôi lên đến vùng cao nơi miền sơn cước này để gieo ước mơ học tập cho các em học sinh nơi đây. Nơi đó, không chỉ có lòng yêu lũ trẻ, tình yêu nghề mà cò
n chất chứa một ý chí kiên cường, sự dũng cảm và đức hi sinh cao cả.
Theo chân cô giáo Kim Anh, chúng tôi phải vật lộn với chiếc xe máy qua những khúc đèo cua hiểm trở, đường đá ghập ghềnh. “Như ri đã ăn thua chi các anh. Để đến được với nơi em đang công tác còn gian nan lắm!”, nghe cô giáo nói vậy, anh bạn đi cùng cười xoà : “Chắc cô giáo đùa tụi mình đó”. Nhưng không. Từ chân núi, để đến với bản Ka Oóc, chúng tôi phải vượt qua khe nước Dọi thác ghềnh, luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, đèo trèo, lội qua 5 con khe nhỏ mất hàng giờ đồng hồ mới tới trường mầm non bản Ka Oóc - nơi cô Anh ngày ngày lên lớp.
“Yêu nghề, mến trẻ, quyết tâm cắm bản gieo chữ”
Đến trung tâm bản Ka Oóc lúc đã quá trưa. Sau hơn nửa ngày trời vượt rừng, lội suối, băng khe dường ai cũng đã mệt oải, duy chỉ có cô giáo Kim Anh vẫn nguyên vẻ tươi cười. “Mẹ Anh” đã lên rồi! Lũ trẻ nhìn thấy cô giáo từ đầu xã đã gọi oà lên. “Mình luôn coi lũ trẻ như con vậy”, cô giáo trẻ nói. Sau một lát cô trò quấn quýt bên nhau, cô và lũ trẻ bắt đầu giờ học để “gieo ước mơ” nơi miền biên ải.
Em Hồ Thị Tân (SN 2006, học sinh khá nhất lớp – PV) nói tiếng kinh bập bẹ: “Mẹ Anh của tụi con giỏi lắm! Mẹ cho chúng con cái chữ, dạy cho chúng con biết vâng lời người lớn. Mỗi lúc về xuôi lên, mẹ Anh còn mang kẹo bánh cho tụi con nữa. Mẹ Anh tốt với chúng con lắm!”.
Chị Hồ Thị Mong, phụ huynh cháu Hồ Thị Lài cảm phục: “Bà con bản mình quý cô giáo lắm. Không chỉ các cháu được cô dạy cho cái chữ, cách sống mà những lúc rảnh rỗi cô còn dạy chữ cho bà con dân bản nữa đấy. Trước đây có ai biết viết, biết đọc mấy mô nhưng giờ số người biết chữ nhiều lắm”.
“Mấy hôm trước nghe cán bộ báo tin Báo Dân trí đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp xây cầu ở bản ông Tú, bà con bản mình sướng cái bụng lắm. Nếu bản ông Tú có cầu thì mình sẽ họp bàn với bà con cho mở một con đường đất đi băng qua ngọn núi phía sau bản để đến với bản ông Tú. Chứ ở đây mùa mưa lũ đến, dòng suối nước Dọi lên cao, mọi sinh hoạt của bà con dân bản mình đều bị cô lập hoàn toàn”, trưởng bản Hồ Ca nói. |
Trời đã xế chiều, khi ánh nắng cuối ngày dần tắt, đột nhiên, cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống. Bản Ka Oóc như cô lập giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ. Mưa như trút, nước trên thượng nguồn ào ào đổ về, dòng suối nước Dọi lên nhanh, chúng tôi buộc phải “cắm bản” chờ nước rút mới có thể về xuôi.
Đêm xuống. Ngoài trời tối mịt, tiếng chim kêu, tiếng thú gầm như văng vẳng bên tai. Dưới ánh lửa bập bùng trong căn nhà sàn đơn sơ của trưởng bản, chúng tôi lắng nghe những nỗi niềm của già bản Hồ Ca: “Cầu chưa có cũng được, nhưng trước mắt, dân bản mình mong có một chiếc thuyền, một số áo phao để sang sông mỗi lúc mưa lũ về, nước khe Dọi dâng cao. Và hơn nữa là dân bản mong sớm có một con đường thoáng đãng để tiện cho việc đi lại…”. Nghe tâm sự những ngày tháng vất vả “cõng” chữ lên non của cô giáo Kim Anh, hàng trăm người dân bản Ka Oóc cũng mơ ngày bản làng có điện, có đường, có nước…
“Bản Ka Oóc, xã Trọng Hoá có 37 hộ dân với 190 nhân khẩu. 100% hộ dân đều thuộc diện nghèo khó. Cuộc sống của bà con dân bản đang còn nhiều thiếu thốn. Không điện, không đường, không trạm y tế, nước sinh hoạt đều phải xuống khe, suối mang về. Lớp học cho các cháu đang phải lấy nhà tranh tre tạm bợ làm nơi giảng dạy. Muốn về xuôi bà con phải đi bộ vượt rừng, lội suối nửa ngày trời mới ra đến đường bê tông, rải nhựa. Toàn bản hiện có 72 em học sinh, trong đó có 8 cháu mẫu giáo, 53 em cấp 1, 9 em cấp 2 và 2 em cấp 3" - già Hồ Ca, trưởng bản Ka Oóc nói.
Dân bản Ka Oóc phải xuống khe, suối gánh nước sinh hoạt |