1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vĩnh Phúc:

Tìm thấy 68 văn bia đá cổ

(Dân trí) - Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã sưu tầm được 68 văn bia đá cổ - mang niên đại chủ yếu trong 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX - tại 3 huyện Bình Xuyên, Lập Thạch và Tam Đảo.

Những bia đá này là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, giúp nghiên cứu về những địa danh về làng xã, truyền thống hiếu học, phong tục, tín ngưỡng, văn hoá và hoạt động kinh tế ở Vĩnh Phúc.

 

Điển hình những bia đã tìm thấy huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo ghi rõ tên phủ, tên huyện, tên tổng, tên xã - lớp địa danh quan trọng trong hệ thống địa danh hành chính từng tồn tại trên văn bia trước đây.

 

Những bia đá cổ tìm thấy ở hai huyện Tam Dương, Lập Thạch còn phản ánh khá rõ các hoạt động về truyền thống hiếu học ở tỉnh thể hiệu qua việc xây dựng Văn miếu, xây dựng Văn chỉ thờ Tiên hiền của Nho giáo giúp các nhà ngiên cứu đánh giá về truyền thống hiếu học của Vĩnh Phúc trong lịch sử. Đặc biệt là những bia đá tìm thấy ở cả 3 địa phương trên còn giúp thế hệ sau hiểu thêm về phong tục hậu phật, hậu thần, hậu hiền, hậu giáp, hậu tộc...

 

Đây là những người tự bỏ của cải giúp dân làng đóng thuế, trợ giúp dân lúc khó khăn, được dân bầu làm Hậu và thờ tại những nơi tôn nghiêm nhất. Ngoài ra, một số bia đá còn ghi lại những hoạt động kinh tế như: Xây dựng đường sá, cầu đá, giếng đá, sửa chữa cầu cống thoát nước, mở chợ nhằm thông thương hàng hoá giữa các vùng miền, cũng như việc giảm tô trong hoạt động nông nghiêp.

 

Riêng tại huyện Lập Thạch số văn bia phát hiện còn lưu giữ được việc mua quyền hát cửa đình, một loại sinh hoạt văn hoá có tính chất đặc thù của đồng bằng Bắc Bộ...

 

Theo ông Trần Văn Quang, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, chủ đề tài nghiên cứu cho biết: Bia đá là nguồn tài liệu có tính chất vững bền do tư liệu khắc trên bia đá là tư liệu gốc, không bị sao chép lại, phản ánh trung thực nhiều mặt hoạt động trong quá khứ của người dân 3 huyện...

 

Tuy nhiên theo số liệu điều tra sưu tầm của Trường Viễn Đông bác cổ diễn ra vào năm 1937 của thế kỷ trước, số bia đá tìm thấy ở địa bàn 3 huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xyên là 290 tấm. Đến nay số lượng bia đá tìm thấy còn 68 tấm, chỉ bằng 1/4 so với bia đá trước đây. Nguyên nhân là do ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản bia Hán Nôm của người dân chưa cao, các địa phương chưa có kế hoạch bảo vệ, lưu giữ những hiện vật quý này.

 

Lâm Đào An

 TTXVN