Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí ở Hà Nội
(Dân trí) - Để giải quyết bài toán về chất lượng không khí, Hà Nội rất mong muốn có sự chung tay, đồng hành, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Ngày 14/3, UBND TP Hà Nội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội".
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là đô thị có diện tích và dân số lớn hàng đầu cả nước.
Hà Nội là trung tâm khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là khu vực nội đô có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn nên luôn đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, quá tải trong xử lý chất thải rắn và nước thải.
Theo ông Thanh, Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường như: Xử lý ô nhiễm không khí; giám sát vệ sinh môi trường các công trình xây dựng; khẩn trương thực hiện các giải pháp bổ cập nước sông Tô Lịch để làm sống lại dòng sông theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm,...
Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán về chất lượng không khí, Hà Nội rất mong muốn có sự chung tay, đồng hành, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Sương mù xảy ra vào sáng sớm có thể do nồng độ PM2.5 (các hạt bụi mịn) cao gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân (Ảnh: Tố Linh).
TS Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội rất đáng lo ngại khi chỉ số bụi mịn PM2.5 rất cao, vượt quá quy chuẩn cho phép 1,5-2 lần nhiều ngày trong năm; số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 15% số ngày trong năm.
Ông Tùng cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu do giao thông (ô tô, xe máy chạy xăng dầu, bụi đường); công nghiệp; các công trình xây dựng đô thị, nhà cao tầng, xây dựng và sửa chữa hạ tầng; đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí nhưng kết quả chưa cao vì chưa kiểm soát được nguồn thải, thiếu dữ liệu, chưa có bộ phận chuyên biệt về xử lý ô nhiễm môi trường, theo TS Hoàng Dương Tùng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (Ảnh: P. Ngân).
Ông đưa ra kiến nghị một số giải pháp cấp bách để cải thiện môi trường không khí ở Hà Nội như kiểm tra khí thải xe máy lưu thông trong khu vực nội thành; hỗ trợ tài chính đẩy nhanh lộ trình giao thông xanh; đến năm 2030 chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang xe buýt điện.
GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, đơn vị sẵn sàng bàn giao cho Hà Nội các dữ liệu của vệ tinh chuyên theo dõi thiên tai và hậu quả của biến đổi khí hậu để thành phố có dữ liệu hoạch định cơ chế chính sách.
Đồng thời, ông Hà đề nghị thành phố tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình khoa học phù hợp với thực tế của Hà Nội để giải quyết ô nhiễm môi trường.