1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tìm hướng giải quyết tình trạng thi hành án tồn đọng nhiều năm

(Dân trí) - Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp liên ngành xung quanh tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, Khoản 6 Điều 3 và Điều 44a Luật Thi hành án dân sự chưa có quy định về việc “thi hành án không có điều kiện thi hành”.

Trên thực tế, các việc đang được phân loại “chưa có điều kiện thi hành án” hiện nay chính là các vụ việc “không có điều kiện thi hành án” hoặc trong số án chưa có điều kiện thi hành thì có cả án không có điều kiện thi hành.

Vì vậy, nếu việc xây dựng Đề án theo hướng chỉ điều chỉnh các đối tượng không có điều kiện thi hành án và đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước sẽ vướng mắc về căn cứ pháp lý cũng như các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Tìm hướng giải quyết tình trạng thi hành án tồn đọng nhiều năm - 1

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

Hơn nữa, thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy các vụ việc thu, nộp ngân sách nhà nước chưa có điều kiện thi hành án chỉ là một phần trong số các loại việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành nói chung và việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm nói riêng.

Để giải quyết tất cả những vướng mắc nêu trên cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, dự kiến phải đến năm 2020 luật này mới đưa vào chương trình. Vì thế, nếu chờ sửa Luật thì án lại tiếp tục tồn đọng, ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, niềm tin pháp lý của người dân và doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất đổi tên và xây dựng Đề án thành “Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành án, đã tồn đọng nhiều năm” để giải quyết một cách tổng thể những việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm nói chung, trong đó có bao gồm cả các khoản thu nộp cho ngân sách chưa có điều kiện thi hành (thực chất là không có điều kiện hoặc không đáp ứng được điều kiện miễn, giảm).

Tại cuộc họp, đại diện  VKSND Tối cao chia sẻ, thực tiễn công tác thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy cần bổ sung giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ báo cáo thống kê còn đang vênh nhau giữa các ngành.

Cụ thể, các cơ quan tố tụng thì thống kê theo đầu vụ việc, đầu bản án; còn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự thì thống kê theo quyết định thi hành án.

Vì thế, các cơ quan thi hành án dân sự cần thống kê theo đầu bản, từ đó mới có thêm chỉ số thành phần có bao nhiêu quyết định thi hành án, đối chiếu được bản án thụ lý.

Đồng tình, đại diện TAND Tối cao cũng đánh giá, hiện đang có tình trạng “loạn hết cả lên” trong số liệu giữa các cơ quan. Điều đó đòi hỏi cần có sự thống nhất để có được số liệu khoa học, phù hợp và từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp.

Phản hồi việc này, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay, Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương rà soát, báo cáo về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo hướng phân biệt rõ từng loại việc (án phí, tiền phạt, khoản thu khác cho ngân sách nhà nước), từng loại đối tượng (người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; người phải thi hành án không xác định được địa chỉ, nơi cư trú; là người nước ngoài đã về nước không xác định được địa chỉ, nơi cư trú; người phải thi hành án là người già, neo đơn không nơi nương tựa, người ốm đau tàn tật, sống phụ thuộc vào người khác)...
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến để đưa đến một giải pháp tổng thể để thực hiện vấn đề này.

Thế Kha

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm