1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Năm 2019 công tác thi hành án dân sự sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức”

(Dân trí) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi dự báo, năm 2019 công tác thi hành án dân sự sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nên yêu cầu các đơn vị cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục.

ong Mai Luong Khoi.jpg

Ông Mai Lương Khôi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

 

Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án năm 2019 vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, năm 2018 công tác thi hành án dân sự, hành chính đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, về việc đã thi hành xong 571.708 việc (đạt tỷ lệ 80,30%); về tiền, thi hành xong trên 34.520 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 38,35%). Công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính đã xong 139 vụ việc, còn 224 vụ việc chưa xong.

Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm chú trọng; đã phối hợp với VKSND Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định về ủy thác trong vụ Giang Kim Đạt, vụ Phạm Công Danh; phối hợp với các bộ, ngành thành lập các tổ công tác liên ngành chỉ đạo các vụ việc lớn như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty Tài chính II…

Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự qua dịch vụ bưu chính công ích,...

Bên cạnh đó, Tổng cục Thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế như công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị có lúc còn chưa thực sự quyết liệt. Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, kết luận trong một số trường hợp còn chậm.

Năm 2018 toàn hệ thống bị cắt giảm 169 biên chế so với năm 2017, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu lực hiệu quả quản lý và thực hiện nhiệm vụ. Kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn phát sinh đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị đối với công chức.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi dự báo, năm 2019 công tác thi hành án dân sự sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, ông Khôi yêu cầu các đơn vị thuộc Tổng cục cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục. Đặc biệt, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý ngành để phòng ngừa và hạn chế tối đa các vi phạm.

Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp cơ sở; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm qua đó góp phần răn đe, phòng ngừa, cảnh báo trong toàn hệ thống thi hành án.

dinhlathang-1516174644610.jpeg

Ông Đinh La Thăng và đồng phạm còn phải thi hành án trên 800 tỷ đồng (Ảnh: TTXVN).

 

Nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt

Theo quyết định về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2019 vừa được Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi ký duyệt, toàn ngành phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án xong trên 73% về việc và trên 33% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.

Thi hành xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ cao hơn năm 2018 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; tập trung thi hành để nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt cao hơn năm 2018.

Nâng cao hiệu quả thi hành các bản án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ cao hơn năm 2018 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.

Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, đấu giá tài sản thi hành án; giảm tối đa các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.

Tổng cục Thi hành án dân sự cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án, coi đây là giải pháp đột phá thay đổi lề lối làm việc, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giao, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho Chi cục Thi hành án dân sự, Chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự đảm bảo chính xác, công bằng và khả thi (đảm bảo không thấp hơn chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao đối với Cục Thi hành án dân sự); có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chi cục Thi hành án dân sự và Chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự.

Thế Kha