1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tìm giải pháp trữ nước cho… Đồng bằng sông Cửu Long

(Dân trí) - Vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long hiện đối mặt nguy cơ lũ nhỏ ngày càng nhỏ hơn, dòng chảy mùa kiệt năm hạn càng kiệt hơn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, mặn xâm nhập ngày càng sâu khiến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tìm giải pháp trữ nước cho… Đồng bằng sông Cửu Long - 1

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp (Ảnh: Bộ TN-MT).

Tại cuộc họp về xây dựng giải pháp trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Anh Đức - Phó viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước đã trình bày Báo cáo nghiên cứu giải pháp tổng thể trữ nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó cho biết, hệ thống thuỷ lợi ở đây tuy có nhiều nhưng hầu hết chưa hoàn chỉnh, các hệ thống liên vùng nên khó điều tiết nước và trữ nước. Nguồn nước chủ yếu trên sông Tiền và sông Hậu phần lớn theo dòng chính chảy thẳng ra biển Đông mà khó có thể cấp vào đồng ruộng do địa hình bằng phẳng.

Trong khi đó các dự án thuỷ lợi đã và sẽ thực hiện, ngoài xây dựng các hệ thống kênh tưới - tiêu,  các cống điều tiết nước trên kênh, trạm bơm cấp nước còn có giải pháp trữ nước trên sông chính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn.

Theo ông Đức, những tác động của hệ thống hồ chứa, phát triển kinh tế-xã hội, của những dự án chuyển nước dự kiến ở các nước thượng lưu Mê Công sẽ có những tác động to lớn đến chế độ dòng chảy hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó nguy cơ lũ nhỏ ngày càng nhỏ hơn, dòng chảy mùa kiệt năm hạn càng kiệt hơn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, mặn xâm nhập ngày càng sâu khiến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  

Chính vì thế, trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, đặc biệt cho những năm hạn, nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mặn.

Trữ nước nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm việc trữ nước làm chậm lũ, trữ nước mùa lũ dùng cho mùa khô, phân ranh mặn ngọt, trữ nước bằng các biện pháp công trình tại vùng nhiễm mặn…

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu kinh nghiệm trữ nước của các nước như Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hungary, Slovakia, Ba Lan, Canada....

“Việc hợp tác để trao đổi, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm quốc tế nêu trên là hết sức cần thiết cho nghiên cứu vấn đề trữ nước tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long” - ông Đức nói.

Tìm giải pháp trữ nước cho… Đồng bằng sông Cửu Long - 2

Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động tiêu cực do nguồn nước Mekong suy kiệt.

Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, đến nay chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên ngành, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển bền vững.

Các nghiên cứu, dự án mới chỉ dừng lại ở mức độ vùng nhỏ hoặc cục bộ, chưa thể hiện rõ khả năng liên kết vùng; đồng thời chủ yếu về số lượng nước mà chưa làm rõ được về chất lượng nước.

“Trong thời gian vừa qua, đã có một số dự án thực hiện giải pháp trữ nước tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau...) hay các hệ thống phân ranh mặn ngọt, giữ nước ngọt nhưng chủ yếu chỉ dừng ở mức nội vùng đã phần nào phát huy được tác dụng. Tuy nhiên các dự án này chỉ dừng lại ở mức độ địa phương hay vùng nhỏ, chưa có tính liên kết trên cả vùng rộng lớn” - ông Quang nêu quan điểm.

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, vấn đề trữ nước Đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện từ lâu nhưng chủ yếu nhằm mục đích thủy lợi phục vụ nông nghiệp; những dự án này thường chỉ phục vụ mục tiêu cụ thể của từng ngành, từng khu vực riêng lẻ và chưa có tính tổng thể.

Ông Thành giao Cục Biến đổi khí hậu và Viện Khoa học Tài nguyên nước xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, định hướng chuyển đổi mô hình phát triển, mang tính chất liên vùng, liên ngành.

“Kết quả nghiên cứu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để phục vụ các nhà quản lý trong việc ra quyết định đối với vấn đề trữ nước Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới”-ông Thành nhấn mạnh.

Thế Kha