Thủ tướng: Nước Mekong suy kiệt tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - “Nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, phù sa, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng. Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mekong, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hôm nay (5/4), Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) tại Siem Reap, Campuchia có sự tham gia của Thủ tướng 4 nước thành viên Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng. Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mekong, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại TPHCM và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực…
Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mekong và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mekong 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội. Từ đó, Tuyên bố đề ra các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Ủy hội thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc khai thác bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mekong là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người.
“Cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị MRC tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan.
“Hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác, hành động để sông Mekong mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực.” - Thủ tướng cho hay.
Châu Như Quỳnh