Tìm cách trị “hung thần” xe buýt
Chạy hàng hai, quá tốc độ, lạng lách; ra vào trạm dừng, nhà chờ tùy tiện; xả khói đen, bấm còi to; gây kẹt xe, tai nạn... Đó là những “cái tội” của xe buýt “hung thần” được liệt kê tại cuộc hội thảo An toàn giao thông của xe buýt diễn ra tại TPHCM sáng 24/11.
Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, từ năm 2004 đến nay, số người chết và bị thương do xe buýt gây ra chỉ chiếm 0,7 và 0,6% tổng số người chết và bị thương do tất cả các loại phương tiện gây ra. Nhưng loại phương tiện này vẫn tiềm ẩn các nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông.
Điều đó, ông Lê Trung Tính, Phó trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTCC, nhìn nhận, chứng tỏ loại hình dịch vụ cộng cộng này vẫn chưa hoàn hảo. “Các nhà quản lý, điều hành và người lái xe cần tìm cách triệt thoái những xe buýt “hung thần”, loại bỏ nỗi ám ảnh sợ xe buýt trong người dân”, ông Tính nói.
Tổ chức tuyến thiếu khoa học
Hiện TPHCM có 3.300 xe buýt chạy trên 140 tuyến. Nhưng tại nhiều tuyến, xe buýt đã choán hết diện tích đường, tạo ra những cuộc kẹt xe triền miên, tai nạn liên tục. Nguyên nhân, theo các nhà khoa học giao thông, là do việc tổ chức các tuyến không theo quy hoạch. Có quá nhiều tuyến trùng lắp, chồng chéo lên nhau trên cùng một trục đường, khu vực.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng hiện có quá nhiều tuyến xe buýt dài trên 40 km, trong khi quy chuẩn khoa học chiều dài mỗi tuyến tối đa là 25 km. Đặc biệt, có những tuyến xe buýt liên tỉnh dài tới 70-80 km. “Xe buýt mà chạy đường dài, lái xe dễ mệt mỏi, căng thẳng, nguy cơ tai nạn sẽ tăng cao và phát sinh việc ứng xử không đúng mực với hành khách”, tiến sĩ Hằng nói.
Theo trung tá Hoàng Văn Biên, phó đội trưởng đội tham mưu - tổng hợp, phòng CSGT đường bộ, Công an TPHCM, việc dùng các loại xe buýt 30 chỗ ngồi trên các tuyến liên tỉnh cũng là không hợp lý, bởi nhu cầu đi lại cao, lượng khách luôn đông...
“Việc phát triển xe buýt vừa qua là cuộc chạy đua với sự phát triển không kiểm soát nổi của xe máy. Điều đó đã dẫn đến xung đột giữa xe buýt với xe máy và cuối cùng là xe buýt bơi trong dòng sông xe cá nhân”, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TPHCM, nhận định.
Trạm dừng, nhà chờ đặt tùy hứng
Cũng theo tiến sĩ Hằng, việc có quá nhiều trạm dừng, nhà chờ dành cho nhiều tuyến xe buýt khác nhau trên một đoạn đường ngắn là nguyên nhân thường xuyên dẫn đến ùn tắc giao thông. Ngoài ra, “xe buýt nêm khách quá đông, không thuận lợi cho việc khách lên xuống xe cũng là sự cộng hưởng gây ra các vụ tai nạn nơi trạm dừng, nhà chờ”, bà Hằng nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Hồng Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTCC, cho rằng hiện có quá nhiều tuyến đường mặt đường chỉ rộng chưa tới 8 m nhưng vẫn được đặt các trạm dừng, nhà chờ nên ùn tắc chắc chắn xảy ra.
Mặt khác, theo trung tá Đỗ Tiến Dũng, phó đội trưởng đội CSGT số 4, nhiều trạm dừng, nhà chờ được đặt khá tùy tiện. Trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, có nhà chờ đặt ngay ngã ba đường. Hoặc trên đường Cách Mạng Tháng Tám có các nhà chờ nối nhau liên tiếp nên nhiều lúc xe buýt bị kẹt ở cả 2 chiều đường.
Sức ép lên người lái
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTCC, hiện nay có đến 73% số đầu xe buýt hoạt động tại các hợp tác xã. Trong khi đó, lái xe, tiếp viên ở các hợp tác xã này phải làm việc rất căng thẳng, 14-16 tiếng/ngày và ngoài tiền công theo chuyến hoặc ngày chạy xe, họ không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. “Điều kiện lao động khắc nghiệt như thế thì dễ sinh ức chế tâm lý, cáu gắt với khách, tay lái mệt mỏi dễ gây tai nạn”, ông Thanh nói.
Anh Hoàng Công Quận, lái xe của hợp tác xã xe buýt Rạng Đông, cho biết người lái xe bị rất nhiều sức ép như: chạy phải đúng giờ, sợ mất chuyến, lo bị phạt trong khi mật độ và tốc độ lưu thông trên đường luôn là sức cản, ép lên người lái.
Tiến sĩ Hằng cho rằng, bình thường lái xe buýt sau 3 năm phải kiểm tra lại phản ứng lái xe trên đường có bảo đảm mới cho lái tiếp. “Nhưng việc này đã không được chú trọng. Sự xuống sức, mất phản ứng linh hoạt của lái xe buýt là rất nguy hiểm trong điều kiện lao động bị nhiều sức ép”, bà nói.
Theo ông Dương Hồng Thanh, để giảm thiểu tai nạn và an toàn giao thông cho xe buýt thì phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về lao động đối với người lái xe, tiếp viên. Cụ thể, tới đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với lái xe, tiếp viên và thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội và y tế. “Nhưng việc này xem ra rất khó”, ông Thanh nói.
Theo Hoàng Tuyên
Vnexpress