“Tiết kiệm nhưng chỗ nào cũng có... lãng phí”
(Dân trí) - “Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 so với 2010, dù đã thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, giảm đầu tư công… cũng có chuyển biến nhưng cải thiện chưa rõ nét. Mọi chỗ mọi nơi trên mọi lĩnh vực vẫn có những cái lãng phí”.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, UB Tài chính ngân sách (cơ quan thẩm tra báo cáo) xác nhận, đa số bộ, ngành, địa phương đã rà soát, bố trí dự toán chi ngân sách, nghiêm túc thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên của năm 2011 và tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên của 9 tháng cuối năm, đã tiết kiệm hơn 3.800 tỷ đồng. Việc tạm dừng trang bị mới ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng cũng tiết kiệm được gần 1.100 tỷ đồng.
Chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiết kiệm chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước đã được giảm tối đa.
Tuy đánh giá khá tích cực về công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị nhưng UB Tài chính ngân sách vẫn cho rằng việc cắt giảm chi thường xuyên theo Nghị quyết 11 chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ chậm thu hồi; chi vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục.
Trong mua sắm tài sản công vẫn còn có hiện tượng chưa thực hiện theo đúng chủ trương mua sắm tập trung Thủ tướng đã chỉ đạo; mua sắm vượt tiêu chuẩn, trang bị thiếu đồng bộ dẫn đến mua về không sử dụng được hoặc chưa sử dụng đến, có sử dụng thì tần suất thấp.
Vấn đề cắt giảm đầu tư công, theo báo cáo, tính đến 5/9/2011, 3.230 dự án đã ngừng khởi công mới, cắt giảm, giãn tiến độ, điều chuyển, tương ứng số vốn hơn 27.600 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN là 6.600 tỷ đồng. Bản thân các doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm cũng rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án đầu tư với tổng số vốn 39.000 tỷ đồng.
Chính phủ dành 8.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu NSNN năm 2010 để chi trả nợ và giảm bội chi NSNN từ 6,2% GDP xuống còn 5,6% và dự kiến tiếp tục dành 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2011 để giảm bội chi xuống 4,9% GDP.
Những con số nêu ra chưa đủ sức thuyết phục cơ quan thẩm tra. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển “phê” gay gắt hiện tượng việc đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm, điều chuyển và ngừng khởi công mới các dự án không đúng đối tượng, thực hiện chưa đầy đủ, nghiêm túc các quy định trong Nghị quyết 11. Sau cắt giảm việc phân bổ cho số dự án khởi công mới còn lớn và bố trí vốn còn dàn trải, tỷ lệ vốn bố trí trên tổng mức đầu tư thấp.
Vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển, theo ông Hiển cũng là vấn đề nhức nhối, còn nhiều thất thoát, lãng phí và khắc phục chậm. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho thấy, hiện tượng vi phạm pháp luật, lãng phí đã và đang tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư,…đến quyết toán công trình. Nhiều công trình, dự án đã hoàn thành, nhưng do phải tạm dừng việc mua sắm, trang bị nên chậm phát huy hiệu quả, nhất là đối với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, y tế...
Nhiều bộ, ngành và địa phương nợ khối lượng xây dựng cơ bản hàng trăm tỷ đồng với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là rất lớn và tiếp tục tăng cao. Chất lượng một số công trình dự án còn hạn chế, không ít công trình đang trong thời gian bảo hành, nhưng đã có một số vị trí bị hư hỏng.
Về vấn đề tiêu dùng xã hội, Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm 2011 cả nước đã tiết kiệm được 978,81 triệu KWh điện, bằng 1,48% sản lượng điện thương phẩm.
Còn báo cáo của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu giảm cả về lượng và về giá đối với hàng lương thực. Việc nhập linh kiện xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm đã giảm. Lượng ôtô nguyên chiếc nhập về tháng 7cũng giảm 50,7% so với tháng 6.
Cơ quan thẩm tra vẫn không nhận định khả quan hơn khi cho rằng, trong tiêu dùng của người dân vẫn còn lãng phí, ý thức tiết kiệm chưa thực sự được nâng cao. Tâm lý tiêu dùng còn thực dụng, phô trương, hình thức; tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, tình trạng sính hàng ngoại như: ô tô, xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm và lương thực, thực phẩm, rượu, bia… đang nẩy sinh trong một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chưa thực sự vào cuộc sống.
“Năm nay Chính phủ ban hành văn bản quyết liệt hơn, thanh kiểm tra sát sao hơn nhưng đánh giá việc tiết kiệm chống lãnh phí trên một bình diện rộng thì mọi chỗ mọi nơi trên mọi lĩnh vực vẫn có những cái lãng phí” – Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển lạnh lùng “chốt” lại.
Báo cáo này sẽ còn được đưa ra QH bàn bạc, thảo luận một lần nữa, trong phiên họp bắt đầu giữa tuần tới.
P.Thảo