1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tiếp dân - không thể nói đã làm hết trách nhiệm mà vẫn sai sót 40%”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển tính toán, tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo đúng và có đúng có sai rất cao, chiếm 40% tổng số đơn. Không thể nói cơ quan chức năng đã làm tốt, làm hết sức, hết trách nhiệm khi tỷ lệ sai sót lớn đến vậy…

Sáng 19/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân; Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo cho thấy diễn biến trong năm 2014 có xu hướng giảm so với 2013. Số lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8%. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Phần lớn địa phương (39/63 tỉnh thành) có tình hình khiếu nại, tố cáo giảm.

Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng 12,1% so với năm 2013, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay tắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu là về ĩnh vực đất đai (khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ…) với tỷ lệ đến 68,2% số đơn thư; khiếu nại về chế độ chính sách chiếm 7,62%, khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4%...

Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 60,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; 6,1% tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; 5,2% tố cáo cán bộ công chức có hành vi tham nhũng…

Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo thể hiện, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà ước đã giải quyết được gần 38.000/44.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%. Qua kiến nghị tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 24,8 tỷ dồng, 106 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người, kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 594 trường hợp (đã xử lý 446 người).

Số liệu thống kê cũng thể hiện, cơ quan nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 83 vụ việc, 39 người. Trong đó, riêng Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 59 vụ, 4 người.

Cụ thể, qua giải quyết khiếu nại đã xử lý vi phạm hành chính 96 người, chuyển cơ quan điều tra 5 vụ, 17 người (đã khởi tố 1 vụ, 13 người). Tỷ lệ khiếu nại đúng ở mức 19,3%, có đúng có sai là 21,7% còn khiếu nại sai là 59%.

Việc giải quyết tố cáo đã giúp bảo quyền lợi chính đáng cho 397 người, kiến nghị xử lý hành chính 498 người (đã xử lý 365 người), chuyển cơ quan điều tra 78 vụ, 22 người (đã khởi tố 6 vụ, 14 người). Cơ quan chức năng kết luận chỉ 12% tố cáo đúng, 24,8% tố cáo có đúng có sai và 63,2% tố cáo sai.
 
Thanh tra Chính phủ nhận định, 2015 là năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Tình hình khiếu nại tố cáo theo đó sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng sẽ tăng và gay gắt, tập trung chủ yếu vẫn là các lĩnh vực khiếu nại về đất đai như việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các nhà máy thuỷ điện, quy hoạch lại rừng ở Tây Nguyên…

2 Bộ trưởng trực tiếp về địa phương tiếp dân

Nói về nguyên nhân và những khó khăn của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đề cập thẳng khía cạnh chủ quan, việc quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan làm công tác giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến việc tỷ lệ, tình hình khiếu nại tố cáo còn cao.

Ông Hạnh nhấn mạnh việc làm rõ căn cứ xử lý người đứng đầu đã thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng cũng phân định rõ ràng phần công dân khiếu nại, tố cáo sai, ngoan cố.
Phó Thủ tướng: Mỗi cán bộ tiếp dân cần đặt mình vào vị trí người dân.
Phó Thủ tướng: "Mỗi cán bộ tiếp dân cần đặt mình vào vị trí người dân".

Thứ trưởng TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển phân tích thêm, con số thống kê cho thấy, cộng cả số đơn thư khiếu nại tố cáo đúng và có đúng có sai, tỷ lệ này cũng tới 40%. “Như vậy rõ ràng là của các cấp chính quyền có trách nhiệm vì làm không tốt vì 40% là tỷ lệ lớn chứ không phải số ít gì. Nếu không nhìn nhận như vậy thì còn chưa giải quyết được những vụ việc tồn đọng vì không thể nói đã làm hết sức, hết trách nhiệm khi tỷ lệ sai sót của cơ quan chức năng vẫn lớn đến vậy” – ông Hiển nói.

Ông Hiển chia sẻ kinh nghiệm: “Nhiều vụ chúng tôi giải quyết, nói về lý lẽ pháp luật thì người dân không nghe nhưng đối thoại, vận động thì người dân lại bằng lòng. Như vậy vấn đề là tiếp xúc để nắm bắt được nguyện vọng, tâm lý của người dân, để người dân cảm thấy được trân trọng”.

Vị Thứ trưởng TN-MT đề nghị tập trung giải quyết 2 vấn đề tồn tại trong công tác tiếp dân là làm sao để hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp và tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng. Tuy nhiên, ông Hiển cũng mong muốn làm rõ quy định, việc giải quyết đã lên đến cấp cao nhất, hết thẩm quyền thì cơ quan tiếp dân có quyền từ chối tiếp tục nhận đơn khiếu nại của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện thành phố Đà Nẵng nhận định thẳng thắn, không tránh được việc người dân khiếu tố trong quá trình phải sắp xếp, di dời hàng trăm nghìn hộ để quy hoạch, làm đường… để thành phố có được diện mạo như hiện nay. Cách làm của Đà Nẵng là cử lãnh đạo xuống từng địa bàn, từng dự án thu hồi đất để tiếp dân, giải quyết khiếu kiện tại chỗ. Trung bình, chính quyền thành phố đã tiếp 100 lượt người khiếu tố/tháng.

Dù vậy, lãnh đạo Đà Nẵng cũng thực sự “đau đầu” với những sự việc kiểu như, cả 11 dự án triển khai trên địa bàn một phường với đến hơn 5000 hộ dân đều đồng ý di chuyển, chỉ còn lại vài chục hộ. Số ít người dân không đồng thuận vẫn kéo ra Trung ương, các cơ quan Trung ương thậm chí mời lãnh đạo thành phố ra Hà Nội đối thoại với dân nhưng xong rồi lại có những cuộc “Bắc tiến” khác.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình khiếu nại tố cáo tuy có giảm nhưng khiếu nại đông người tăng, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo chưa cao, còn chậm, có trường hợp áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài. Một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm giải quyết dứt điểm tình trạng này, cán bộ làm công tác này vừa yếu, vừa thiếu….

Phó Thủ tướng yêu cầu, mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt vị trí của mình vào người dân, tích cực, chủ động để tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, phải mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại chủ trương để Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ chủ động đi tiếp dân tại địa phương.

P.Thảo