1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Tiếng kêu cứu từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(Dân trí) - Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN, được mệnh danh như một viên ngọc quý với 1.022 loài thực vật bậc cao, trong đó có tới 22 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ thế giới năm 2010. Nhưng hiện nay, Vườn đang kêu cứu vì nạn săn bắn trái phép.

“Viên ngọc quý” Kon Ka Kinh

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (VQG KKK) nằm trong khu vực giữa Đông và Tây của dãy Trường Sơn, thuộc địa bàn 3 huyện Mang Yang, Kbang và Đăk Đoa của tỉnh Gia Lai.

VQG KKK nằm ở độ cao 1.748m so với mực nước biển, độ cao đó đã tạo ra một vùng khí hậu riêng với thảm thực vật đa dạng.

Cùng với 3 VQG khác của Việt Nam (Ba Bể, Hoàng Liên, Chư Mom Ray) và 24 VQG khác của Đông Nam Á, VQG KKK được công nhận là Vườn di sản ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ tài Tài nguyên Môi trường các nước ASEAN tổ chức tại Yangon (Myanmar) vào năm 2003.


VQG KKK - nơi bảo tồn rất nhiều loài động vật, thực vật, rừng đặc trưng còn khá nguyên vẹn (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm/FZS)

VQG KKK - nơi bảo tồn rất nhiều loài động vật, thực vật, rừng đặc trưng còn khá nguyên vẹn (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm/FZS)

Qua nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học, ghi nhận nơi đây có một hệ thực vật rất đa dạng và phong phú. Với 1.022 loài thực vật bậc cao, trong đó có tới 22 loài có ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ thế giới năm 2010.

Hệ động vật rừng của VQG KKK cũng rất đa dạng với 556 loài, trong đó có tới 16 loài đặc hữu, 47 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ thế giới năm 2010.

Theo các nhà nghiên cứu, với một hệ động thực vật đa dạng và phong phú, hệ sinh thái đặc trưng, VQG KKK là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và là kho lưu trữ vô giá các loài động thực vật quý hiếm của vùng Tây nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.


Voọc chà vá chân xám, loài Linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất của thế giới được ghi nhận tại VQG KKK (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm/FZS)

Voọc chà vá chân xám, loài Linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất của thế giới được ghi nhận tại VQG KKK (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm/FZS)

Đặc biệt, ở độ cao từ 1.000-1.700m, đã ghi nhận 3 loài đặc hữu cho Việt Nam như: Khướu Kon Ka Kinh, Khướu đầu đen, Khướu mỏ dài; 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và Lào, gồm: Khướu đầu xám, Trèo cây mỏ vàng, Gà lôi vằn và Thầy chùa đít đỏ nằm ở phần Bắc Tây Nguyên.

Ngoài ra, nơi đây còn là “ngôi nhà” của nhiều loại động vật quý hiếm và đặc hữu như: Vượn đen má hung Bắc, Voọc chà vá chân xám, Mang Trường Sơn và Mang lớn.

Khu hệ bò sát VQG KKK có 4 loài đặc hữu cho vùng và cho Việt Nam, trong đó: Thằn lằn Buôn Lưới là loài đặc hữu cho vùng Nam Trường Sơn (Lào), 3 loài đặc hữu cho Việt Nam: Thằn lằn đuôi đỏ, Chàng Sapa, Ếch gai sần.

Mới đây, tại VQG KKK cũng đã phát hiện ra loài Voọc chà vá chân nâu và loài Voọc chà vá chân xám. Đây là loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm với tên khoa học Pygathrix cinerea và được các nhà nghiên cứu quốc tế liệt vào danh sách “25 loài thú linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới”.

Tiếng Voọc kêu cứu từ rừng sâu

Không như các cá thể Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) có thể tiếp cận du khách, Voọc ở VQG KKK sợ đủ thứ. Chỉ cần có mùi hơi người, tiếng người, tiếng sắt thép cọ vào nhau hay 1 tiếng chó sủa, lũ chà vá chân xám sẽ biến mất cả tháng trời mới quay trở lại dù đó là “bãi” ăn, nghỉ của chúng.

Theo ghi nhận, đủ thứ bẫy được giăng khắp nơi và hơn cả là những tiếng súng vang lên giữa đêm khuya làm cho những bầy Voọc lại mất đi vài thành viên.


Một con Voọc chà vá chân xám bị nhồi bông trong 1 gia đình tại H. Kbang (Gia Lai)

Một con Voọc chà vá chân xám bị nhồi bông trong 1 gia đình tại H. Kbang (Gia Lai)

Mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện những cá thể linh trưởng, thú nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và cả những con Voọc đang trong tình trạng bị… cấp đông chờ xẻ thịt, nấu cao.

Cụ thể, vào ngày 7/2/2017, Công an huyện Mang Yang (Gia Lai) phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra quán tạp hóa của vợ chồng bà Đặng Thị Ngọc Dung và ông Nguyễn Văn Tánh (xã A Yun, H. Mang Yang). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một số cá thể động vật hoang dã đã chết bị đông lạnh trong 2 tủ lạnh của quán.

Sau khi lập biên bản và qua trưng cầu tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có kết luận trong số động vật hoang dã đã bị sát hại chứa trong tủ đông gồm: 4 cá thể Voọc chà vá chân xám, 2 cá thể mèo rừng, 1 cá thể khỉ mốc, 1 cá thể khỉ mặt đỏ, 2 cá thể khỉ vàng, 1 cá thể khỉ đuôi lợn và 7 cá thể sóc đen.

Dù chưa xác định số động vật hoang dã hầu hết nằm trong Sách Đỏ Việt Nam này bị săn bắn ở đâu nhưng ngoài khu vực gần nhất là VQG KKK ra thì không còn cánh rừng nào còn những loại động vật quý hiếm này.


Những khẩu súng săn mà lực lượng kiểm lâm VQG KKK thu giữ

Những khẩu súng săn mà lực lượng kiểm lâm VQG KKK thu giữ

Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc VQG KKK cũng thừa nhận: Vẫn còn tình trạng người dân mang theo súng, bẫy lén lút vào rừng để săn bắn động vật hoang dã. Dù lực lượng kiểm lâm Vườn luôn tuần tra kiểm soát, nhưng với diện tích rộng mênh mông tiếp giáp với nhiều huyện, việc kiểm soát khá khó khăn.

Chỉ cần 1 dây phanh xe đạp, những kẻ đi săn đã tự chế thành chiếc bẫy siết chặt bất cứ con thú nào; súng săn được cất giấu trong rừng khiến việc kiểm tra, ngăn chặn cũng còn hạn chế.

Mỗi đợt tuần tra, lực lượng Vườn phá hàng chục, hàng trăm chiếc bẫy đặt ở trong rừng và việc thu giữ những khẩu súng săn tự chế là điều không hiếm.

Đôi lần người viết cũng bắt gặp và sờ tận tay những cá thể Voọc chà vá chân xám trong tình trạng bị… nhồi bông được trang trí trong nhà một số người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai hay các huyện giáp ranh với vườn Di sản ASEAN này.

Và sau mỗi tiếng bẫy sập, tiếng súng nổ, bầy Voọc lại tan tác, những tiếng gọi bầy lạc giữa rừng già...

Phạm Hoàng