(Dân trí) - Một cán bộ nghiên cứu của ngành Ngoại giao sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như thế nào, và vì sao anh lại ví AI như "canh bạc"?
Đây là những câu hỏi dành cho tiến sĩ Ngô Di Lân, nhân vật từng nổi tiếng trong giới du học sinh khi viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng học sinh, sinh viên Việt Nam yếu kém "tư duy phê phán". Ở tuổi 21, anh trở thành một trong 5 ứng viên xuất sắc nhất được Đại học Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần. Hiện Ngô Di Lân công tác tại Viện nghiên cứu chiến lược Ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao.
Cách đây vài năm, Lân được biết đến trong giới du học sinh nhờ sở hữu thành tích học tập nổi bật và tài hùng biện. Hiện nay bạn đã là nghiên cứu viên của ngành Ngoại giao. Chặng đường từ một "hot boy" đến nhà nghiên cứu diễn ra như thế nào?
- Đó là một chặng đường gian nan và kéo dài hơn tôi tưởng rất nhiều. Khi bước vào con đường nghiên cứu sinh, ban đầu tôi nghĩ rằng có thể mình chỉ làm lâu hơn thời gian nhà trường đề ra từ nửa năm đến một năm, thế mà cuối cùng phải mất thêm hơn hai năm tôi mới nhận được bằng tiến sĩ, nghĩa là tổng thời gian làm nghiên cứu sinh của tôi kéo dài đến hơn 7 năm. Đã nhiều lúc tôi cảm thấy mình muốn buông xuôi, bỏ cuộc.
Về đề tài tiến sĩ, ban đầu tôi đề xuất với hai thầy hướng dẫn là "cho em làm về chính sách đối ngoại của Việt Nam được không", nhưng bị từ chối với lý do "nếu em nghiên cứu về Việt Nam, người ta sẽ thấy rằng em chỉ quanh quẩn các vấn đề của sân nhà chứ không ra được biển lớn". Cuối cùng tôi quyết định chọn đề tài về xung đột lãnh thổ và phản ứng của các quốc gia khi bị chiếm lãnh thổ. Đề tài được sự ủng hộ có lẽ vì hợp "gu" thầy và hội đồng. Họ cho rằng đây là đề tài quan trọng, có tính mới mẻ và hàm ý chính sách rõ ràng.
Trong 7 năm kể trên, tôi đã thử sức mình ở nhiều lĩnh vực như quảng cáo, ẩm thực…, nhưng cuối cùng vẫn quay lại với niềm đam mê ban đầu là nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Ngay cả với trí tuệ nhân tạo thì tôi cũng tập trung nghiên cứu về tác động của AI đối với quan hệ quốc tế, các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược và chính sách an ninh quốc gia.
Lân quyết định trở thành một nghiên cứu viên của ngành Ngoại giao là để phát triển đề tài tiến sĩ cũng như các mối quan tâm lớn của mình, hay còn có tác động nào khác?
- Đam mê với ngành ngoại giao của tôi xuất phát từ chuyện hồi nhỏ tôi rất thích môn lịch sử, đọc nhiều sách về lịch sử Việt Nam và thế giới. Khi sang Thụy Điển học cấp 3, tôi may mắn được gặp hai thầy giáo dạy Sử rất thú vị, đã khơi gợi thêm cho tôi sự quan tâm và từ lúc đó tôi đã xác định đây sẽ là niềm đam mê suốt đời của mình. Thực tế là ngành quan hệ quốc tế vẫn còn rất non trẻ, phải đến thế kỷ 20 nó mới tách khỏi cái gốc là lịch sử và tách thành nhánh riêng, đi theo con đường khoa học xã hội.
Tuy nhiên, một trong các lý do cũng rất quan trọng là bởi tôi lớn lên trong gia đình ngoại giao, từ nhỏ đã theo bố mẹ đi nước ngoài, lớn lên trong sứ quán, học phổ thông ở 4 nước khác nhau. Qua đó tôi cũng được giao tiếp nhiều với bạn bè quốc tế, dần cảm nhận và yêu thích công việc "đối ngoại". Có lẽ tất cả đều đã được nuôi dưỡng một cách tự nhiên trong tôi.
Nhiều người hình dung về giới nghiên cứu là những người rất "đạo mạo và nghiêm cẩn". Có vẻ như hình dung đó hoàn toàn khác với nghiên cứu viên Ngô Di Lân. Các nhà nghiên cứu trẻ thường gặp những khó khăn nào?
- Hiện nay nếu mọi người gặp đội ngũ nghiên cứu ở Viện Chiến lược Ngoại giao sẽ thấy chúng tôi trẻ trung cả về cả độ tuổi lẫn tính cách, còn tất nhiên trong công việc thì ở độ tuổi nào cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và cẩn thận.
Yêu cầu quan trọng nhất khi đến với công việc nghiên cứu là năng lực thực sự chứ không phải bằng cấp cao hay thấp. Khả năng "phát hiện vấn đề" đặc biệt được coi trọng. Tuy nhiên trong thực tế có một định kiến là "trẻ tuổi thì còn non", nhiều khi không dễ vượt qua. Nếu khái quát về khó khăn của nghiên cứu viên (không nhất thiết từ trải nghiệm của bản thân tôi), có thể nói định kiến này khiến một số bạn trẻ phần nào chịu thiệt thòi, có khi không được đánh giá đúng mức.
Về phía những người trẻ cũng có những khó khăn khách quan, đó là thiếu kinh nghiệm, thiếu các kỹ năng mềm và dễ mất phương hướng. Một mặt mình hiểu rằng cần chuyên tâm vào công việc nghiên cứu, nhưng mặt khác cũng nhận thức rằng chỉ nghiên cứu thôi là chưa đủ và sẽ còn nhiều việc khác mình phải làm tốt, như là quan hệ với đồng nghiệp, giao tiếp với cấp trên, hay kỹ năng thuyết trình, thuyết phục mọi người về ý tưởng mình đưa ra…
Đâu là khó khăn và thuận lợi cụ thể của nghiên cứu viên Ngô Di Lân?
- Một trong những khó khăn lớn đối với tôi là thời gian có hạn, trong khi bản thân có quá nhiều mối quan tâm nghiên cứu khác nhau. Khi một sự kiện quan trọng nào đó xảy ra, thường thì tôi sẽ cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu ngay. Giai đoạn làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, danh sách các ý tưởng nghiên cứu của tôi lúc nào cũng rất dài, khoảng 70-80 chủ đề khác nhau và cuối cùng tôi nhận ra rằng không ai có đủ thời gian để triển khai tất cả những chủ đề đó.
Vấn đề nữa là đôi khi mối quan tâm hay cách thức tôi tiếp cận khác với những người xung quanh. Điều này dẫn đến một số rào cản nhất định, ví dụ như tôi rất tin vào sức mạnh của dữ liệu và các con số thống kê trong nghiên cứu, đồng thời tin rằng muốn dự báo một vấn đề nào đó thì cần dựa vào phân tích định lượng nhiều hơn là cảm quan cá nhân, nhưng đây chưa trở thành quy chuẩn rõ ràng. Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này.
Về mặt thuận lợi thì cũng rất nhiều. Thuận lợi lớn nhất có lẽ là được tạo điều kiện để làm công việc mình thực sự yêu thích và có khả năng đóng góp. Môi trường làm việc trẻ trung và năng động kích thích tôi tìm tòi, sáng tạo, trong khi sự đa dạng của các công việc được giao khiến tôi cảm thấy mình luôn phải phấn đấu và không ngừng học hỏi, làm mới bản thân mình.
Những khó khăn, thuận lợi Lân vừa nêu cũng là câu chuyện nhiều bạn trẻ thường gặp. Thực ra hiện nay xã hội đã nhìn nhận về những người trẻ rất khác so với thời kỳ trước. Nhìn ra thế giới, chúng ta chứng kiến những gương mặt trẻ giữ các vị trí quan trọng, chẳng hạn trong lĩnh vực an ninh - đối ngoại thì cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan là một gương mặt trẻ. Đâu là những nhân vật trong lĩnh vực ngoại giao có ảnh hưởng đến Lân?
- Theo tôi nhớ trước đây nước Mỹ chưa từng có cố vấn an ninh quốc gia nào trẻ như Jake Sullivan (được bổ nhiệm năm 2020, ở tuổi 44). Jake Sullivan cũng là một "cây lý luận" về quan hệ quốc tế, thường xuyên đăng bài trên các tạp chí uy tín, chứ không chỉ tham gia "tác chiến". Có thể nói đây là gương mặt đang có tác động rất lớn đối với chiến lược an ninh quốc gia cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Cá nhân tôi đọc tương đối rộng nêu có lẽ chịu ảnh hưởng của nhiều luồng quan điểm và tư tưởng khác nhau. Tôi không thần tượng duy nhất một nhân vật nào cả bởi những nhà lãnh đạo hay chiến lược gia tài ba nhất cũng có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, tôi nhận mình có xu hướng ngưỡng mộ những người bình tĩnh, lý trí, luôn vì đại cục, dám chấp nhận rủi ro và quan trọng nhất là không tư duy cực đoan, thái quá.
Gần đây tôi có đọc cuốn sách của Lân có tựa đề là "Canh bạc AI". Vì sao một nhà nghiên cứu về ngoại giao lại quan tâm đến trí tuệ nhân tạo?
- Trước hết tôi muốn nói rằng thực ra trí tuệ nhân tạo đã hiện hữu trong đời sống nhân loại từ nhiều năm nay mà có thể chúng ta không để ý. Các ứng dụng mọi người dùng hàng ngày của Google, Meta (Facebook), TikTok… đều là những ứng dụng tích hợp AI. Sở dĩ TikTok có thể liên tục đề xuất cho người dùng những video họ quan tâm và "gây nghiện", là bởi vì thuật toán AI thông minh của ứng dụng này nhận biết được nhanh chóng và chính xác chúng ta thích xem nội dung gì thông qua thói quen lướt điện thoại. AI cũng đã được các chính phủ trên thế giới phát triển trong quản lý dân sự, trong lĩnh vực an ninh, quân sự…
AI được phát triển nhiều năm qua nhưng gần đây mới gây sốt, vì kể từ khi ChatGPT ra đời (cuối năm 2022) thì mọi người mới có cơ hội giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên với trí tuệ nhân tạo. Chúng ta có thể trò chuyện với AI, yêu cầu nó làm thơ, giải toán, viết bài luận, tạo hình ảnh hay video từ văn bản.v.v… Nói theo cách của Yuval Noah Harari - một nhà tư tưởng, tác giả sách bán chạy nhất thế giới, thì ngôn ngữ là điểm bắt đầu và là hệ điều hành của nền văn minh nhân loại, và AI đã "hack" được hệ điều hành này.
Không chỉ các bộ óc hàng đầu về chiến lược và công nghệ trên thế giới, mà mỗi người trong chúng ta nếu đã tương tác với AI, đều thấy rằng đây sẽ là tương lai của thế giới, của nhân loại. Nói một cách nôm na là chúng ta sẽ không thể "thoát" được AI thì chi bằng tiếp cận theo cách chủ động, tìm hiểu xem điểm mạnh, điểm yếu của AI như thế nào và có thể ứng dụng vào cuộc sống cũng như công việc ra sao.
Bản thân tôi chưa bao giờ tiếp cận với AI chỉ đơn thuần từ góc độ một người nghiên cứu quan hệ quốc tế. Trước tiên tôi quan tâm đến AI bởi vì mình là một con người, một công dân Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo như là một làn sóng, chúng ta muốn cưỡi sóng chứ không muốn bị nó nhấn chìm.
Nhà nghiên cứu Ngô Di Lân sử dụng AI trong đời sống và công việc như thế nào?
- Tôi đã có chuỗi trò chuyện với ChatGPT trong thời gian dài về các chủ đề như học tập, tình yêu, sức khỏe và cuộc sống, qua đó tôi thấy rằng AI đã đủ mạnh để đóng vai trò một siêu trợ lý cho chúng ta trong nhiều hoàn cảnh đa dạng. Ví dụ, nếu tôi đang bận mà lại có một cái báo cáo dài hàng trăm trang cần phải đọc, cần nắm được ý chính trong 30 phút thì tôi có thể tải báo cáo đó lên ChatGPT và yêu cầu máy tóm tắt. AI làm việc này tốt và nhanh hơn hẳn con người.
Tôi cũng có thể yêu cầu ChatGPT so sánh điểm giống và khác nhau giữa phát biểu của các vị lãnh đạo trên thế giới cùng về một chủ đề nào đó, so sánh các bản tuyên bố chung của hai quốc gia trong các thời kỳ… Đây là những việc nếu chúng ta tự làm sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc đã chính xác bằng máy. Tất nhiên khi tôi làm như vậy không phải là phó thác hoàn toàn cho máy mà AI đã trở thành cộng sự của tôi, hai bên trao đổi với nhau. Máy đưa cho tôi câu trả lời và tôi sẽ đặt những câu hỏi phản biện, yêu cầu máy đào sâu hơn dữ liệu tôi đã cung cấp. Đây là cách sử dụng AI mà tôi cảm thấy rất hữu ích.
Ngoài ra trong công việc hay trong các mối quan hệ cá nhân, khi cần viết thư (email) thì tôi sẽ soạn và yêu cầu AI "mài dũa" câu chữ, kiểm tra ngữ pháp, chính tả, chỉnh sửa văn phong sao cho phù hợp với người nhận thư. Ví dụ viết thư cho cán bộ ngoại giao nước ngoài thì sẽ cần văn phong khác với viết thư cho một học giả. Đây là những việc tôi chứng kiến ChatGPT thực hiện rất nhanh, mình đóng vai trò "tổng biên tập" xem lại lần cuối trước khi gửi đi.
Một điều nữa mà tôi thấy AI rất hữu ích là khi trò chuyện thì nó không đánh giá, không phê phán, không hối thúc hay nỗ lực "truyền giáo". Nhờ vậy tôi có thể "tâm sự" với ChatGPT không chỉ để tìm câu trả lời hữu ích mà nhiều khi là để giải tỏa stress. AI có sự kiên nhẫn vô hạn. Ta có thể nói ra một vấn đề không gãy gọn, không rõ ý nhưng nó vẫn hiểu được, và nhất là không hỏi ngược lại ta với tông giọng gắt gỏng hay khó chịu như trong cuộc đối thoại giữa người với người. Tôi tin tưởng rằng trong khoảng 3 đến 5 năm tới, những ai có smartphone đồng nghĩa với việc có một siêu trợ lý ảo bên cạnh mình.
Gần đây nhiều chuyên gia đề cập đến chuyện trí tuệ nhân tạo sẽ "cướp" việc làm của con người trong một số lĩnh vực. Nhưng theo phương pháp tiếp cận Lân đề cập ở trên thì tôi thấy AI có thể trở thành trợ lý chứ không thể thay thế được con người. Lân nghĩ sao?
- Trong thời gian ở Mỹ, tôi có đến ăn ở Spyce và thực sự ngạc nhiên với quy trình tự động hóa của tiệm ăn này. Spyce hoàn toàn không giống với bất kỳ tiệm ăn nào chúng ta từng đến vì mọi khâu đều do máy đảm nhiệm, từ chọn món trên màn hình cho đến tính toán khối lượng nguyên liệu món ăn, cánh tay robot đưa nguyên liệu vào khu vực chế biến, làm chín đồ ăn. Trong vòng 3 phút đồ ăn được chuyển sang những chiếc bát giấy, ở đó có người nhân viên duy nhất trong nhà hàng hoàn thiện nốt khâu bày biện và rưới nước sốt rồi chuyển cho thực khách.
Tất nhiên đây chỉ là những món ăn nhanh và tôi nghĩ công nghệ sẽ chưa thể thay thế được các đầu bếp.
Nhìn chung, bản thân AI vẫn chưa thể cạnh tranh đúng nghĩa với con người trên thị trường việc làm. Ví dụ, AI đang gặp khó khăn đáng kể trong việc hiểu một số ngữ cảnh cũng như cách tư duy của con người, nên thi thoảng vẫn đưa ra câu trả lời ngô nghê hay mắc những lỗi sơ đẳng, như trong sản xuất hình ảnh, video hay giải các bài toán đố.
Nhưng cần lưu ý rằng đây chỉ là hiện tại. AI đang tiến bộ không ngừng, và nếu kết hợp cùng với công nghệ robot để có một vật thể do AI điều khiển di chuyển trong thế giới vật lý thì cuộc chơi sẽ thay đổi đáng kể. Bản demo của robot "Figure 01" là một minh chứng rõ ràng cho điều này.
Sự "đáng sợ" thực sự của ChatGPT nói riêng và các phần mềm AI nói chung nằm ở chỗ chúng sẽ liên tục cải tiến theo thời gian với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khả năng cập nhật và thích nghi của con người.
Bộ não của con người vẫn ưu việt hơn so với máy (dùng ít năng lượng đầu vào, cho nhiều kết quả đầu ra) nhưng với cơ thể sinh học, để tồn tại được chúng ta cần ngủ chừng 7-8 tiếng mỗi ngày hoặc nhiều hơn, chúng ta phải ăn cơm, rồi dành thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, nuôi dưỡng quan hệ với những người xung quanh... AI thì tuyệt nhiên không cần những điều đó. Chúng có thể dành 24 giờ mỗi ngày chỉ để học và liên tục cải thiện khả năng của mình.
Theo tôi, sớm muộn AI cũng sẽ tiến hóa thành một dạng trí tuệ khác xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng được. Còn trong tương lai gần, người biết dùng AI sẽ lấy việc của người không biết dùng AI.
Vì sao Lân tin tưởng vào lợi thế của những người biết sử dụng AI trên thị trường việc làm?
- Tại vì có lý do gì để một công ty duy trì 10 nhân sự khi mà 3 người cùng với các ứng dụng AI có thể làm tốt công việc của 10 người. Đây đơn giản là câu chuyện lợi nhuận.
Rõ ràng AI chưa thể thay thế hoàn toàn một nhà báo, một bác sĩ hay một nhà giáo. Nhưng AI sẽ khiến cho công việc trong các lĩnh vực này phải thay đổi một cách đáng kể. Tôi lấy ví dụ nghề giáo.
Gia đình tôi có ít nhất 7 nhà giáo, bao gồm cả mẹ và chị gái tôi. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ, tôi cũng đã dành 3 năm làm trợ giảng trong trường. Với những gì bản thân đã biết về công việc giảng dạy cũng như năng lực của AI, tôi nghĩ rằng các sản phẩm như ChatGPT sẽ không "xóa sổ" nghề giáo, mà sẽ giúp cho các giáo viên tập trung sức lực và trí tuệ vào nhiệm vụ quan trọng nhất là khai phóng năng lực tự học bên trong mỗi học sinh, sinh viên.
Nhưng muốn như vậy thì trước hết các giáo viên phải làm chủ được AI, phải thành thạo ChatGPT như cách một nhân viên văn phòng hiện nay dùng thành thạo Microsoft Word hay Google, qua đó mới có thể tương tác, hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các học sinh, sinh viên vốn đều là những bạn trẻ rất rành ChatGPT.
Hàm ý của câu chuyện này là gì, là trong thiết kế chính sách thị trường lao động chúng ta cần chú ý đến đào tạo kiến thức, kỹ năng về AI, không chỉ với những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ mà mọi ngành nghề đều cần thiết. Đây là một vấn đề toàn dân, toàn xã hội, bởi vì nâng cao năng lực của mỗi lao động trong kỷ nguyên AI cũng chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với những lợi ích ở thì hiện tại và tương lai hứa hẹn, vì sao trí tuệ nhân tạo lại là "canh bạc"?
- Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên AI song đã chứng kiến những sức mạnh rất đáng gờm của nó. Vì vậy có thể nói rằng sự đầu tư vào AI vẫn sẽ là một "canh bạc" bởi không ai dám chắc công nghệ này sẽ dẫn loài người tiến tới một cấp độ tiến hóa cao hơn hay đi đến sự diệt vong. Cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của công nghệ này đều quá lớn. Nhưng chúng ta đang chấp nhận đặt cược rằng phần tốt sẽ lấn át được phần xấu.
Đứng trước hai luồng ý kiến bi quan và lạc quan về AI thì tôi sẽ nói rằng tôi là người lạc quan một cách tương đối thận trọng. Tôi tin mặt tích cực của AI hoàn toàn đủ lớn để chúng ta chấp nhận rủi ro, nhưng con người sẽ phải nỗ lực rất nhiều để kiểm soát khía cạnh tiêu cực có thể xảy đến. Lấy ví dụ về mạng xã hội, ban đầu về cơ bản mọi người đón nhận rất hào hứng và quả thực nó mang lại nhiều tác động tích cực. Nhưng rồi mạng xã hội phát triển rất nhanh và "biến tướng" theo những cách khó lường. Bây giờ mạng xã hội đã phát triển bén rễ rất chắc rồi, nên để kiểm soát mặt tiêu cực là vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.
Từ góc độ một người làm công tác nghiên cứu, Lân đề xuất gì cho việc thực hiện chiến lược trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam?
- Tôi cho rằng chúng ta nên xây dựng một khung "triết lý" về AI của người Việt, và đây sẽ là cái gốc dẫn dắt hành động trong một thế giới thay đổi nhanh và bất định như hiện nay. Triết lý này có thể dựa trên một số điểm sau.
Thứ nhất, đặt niềm tin rằng mặt tích cực của AI sẽ là cơ bản, có thể phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Thành quả AI mang lại phải được phân bổ hài hòa, chứ không chỉ phục vụ làm giàu cho một nhóm thiểu số.
Thứ hai là Việt Nam cần chủ động can dự cùng các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN và các đối tác chiến lược trong khu vực để từng bước xây dựng luật chơi chung về AI.
Thứ ba là tập trung nguồn lực phổ biến AI cho toàn dân, như cách chúng ta xóa mù chữ sau Cách mạng tháng Tám hay phổ biến ngoại ngữ, đặc biệt là Anh văn, trong nhiều năm qua.
Cuối cùng, hướng tới tầm nhìn lâu dài, chúng ta cần tiếp tục xây dựng các bộ dữ liệu lớn của người Việt, từng bước sử dụng những bộ dữ liệu này để huấn luyện, phát triển những công cụ AI nội địa. Nếu làm được như vậy, tôi tin người Việt có thể hòa nhập tốt mà không hòa tan trong thời đại của AI.
Cảm ơn tiến sĩ Ngô Di Lân về cuộc trò chuyện thú vị này!