1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiền gửi thành hợp đồng bảo hiểm

Cần điều tra dấu hiệu gian dối hồ sơ bảo hiểm, có "mật ước" từ cấp trên

Cát Sinh

(Dân trí) - Ủy viên thường trực của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cùng lên tiếng mạnh mẽ sau loạt bài "Tiền gửi thành hợp đồng bảo hiểm" của báo điện tử Dân trí.

Năm vấn đề cốt yếu cần làm rõ 

Sau khi nắm được phản ánh của báo điện tử Dân trí về việc khách hàng đi gửi tiền tại Ngân hàng SCB ở nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước bị "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân nhận định, đây không phải là hành vi của một cá nhân đơn lẻ, đây là sự việc được thực hiện theo quy trình, có dấu hiệu sự "mật ước" ngầm từ cấp trên.

Ông Vân cho rằng, đa phần những người mắc bẫy không phải là người giàu, họ là những người yếu thế, cố gắng tích cóp thời gian dài mới dành dụm được chút tiền mang gửi tiết kiệm, hi vọng lấy ít lãi để có thêm thu nhập.

Thế nhưng, những người này lại bị một số nhân viên ngân hàng và nhân viên bảo hiểm dùng thủ đoạn gian dối, bất chấp quy định của pháp luật, lừa người dân gửi tiền vào bảo hiểm để lấy hoa hồng. "Rõ ràng việc này bộc lộ dấu hiệu tính chất lừa đảo", ông Vân nói.

Cần điều tra dấu hiệu gian dối hồ sơ bảo hiểm, có mật ước từ cấp trên - 1

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội.

Vị đại biểu quốc hội này đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc để điều tra, xác minh làm rõ những thông tin mà báo Dân trí đã phản ánh về việc người dân đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB lại thành mua bảo hiểm của Manulife.

Ông cho rằng, khi có đủ căn cứ lừa đảo, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải khởi tố vụ án, điều tra làm rõ dấu hiệu lừa đảo quy mô ở diện rộng, phổ biến chứ không phải riêng rẽ.

Theo ông Lê Thanh Vân, nhân viên ngân hàng hay đại lý bảo hiểm là đại diện cho ngân hàng và công ty bảo hiểm, nên nhân viên làm sai thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

"Không có chuyện lúc thu tiền thì cứ vơ vào mình, đến lúc bị phát hiện lại đổ tội cho nhân viên là không được", ông Vân nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu 5 vấn đề đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ:

Thứ nhất, sự việc báo Dân trí phản ánh có dấu hiệu hành vi lừa đảo mang tính hệ thống hay không?

Thứ hai, cần làm rõ sự liên kết giữa bảo hiểm và ngân hàng để rút kinh nghiệm, trả lại sự trong sạch, minh bạch cho thị trường tài chính, ngân hàng.

Thứ ba, các cơ quan cấp phép cho sản phẩm "Tâm An Đầu Tư" cần xem lại phạm vi, tính chất và hoạt động thực tế của sản phẩm này trên thị trường như thế nào?

Thứ tư, những thiệt hại to lớn của người dân, vì quá tin vào nhân viên đại diện của ngân hàng, nhân viên đại diện của bảo hiểm khiến người ta mắc bẫy phải được xử lý ra sao cho thỏa đáng?

Thứ năm, việc này khiến trật tự quản lý về tín dụng của Nhà nước bị mất uy tín như thế nào, kinh nghiệm cần rút ra là gì?

Bảo hiểm đang phát triển "không bình thường"?

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm, bảo hiểm nhân thọ vốn là sản phẩm tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước thúc đẩy phát triển để mang lại những giá trị nhân văn, phục vụ đời sống, bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là khi gặp những biến cố, rủi ro trong cuộc sống.

Ông Lâm cho biết, pháp luật trong vấn đề này cũng đã được hoàn thiện rất đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm thời gian qua và hiện nay, qua phản ánh của báo Dân trí và dư luận thì đang có sự phát triển rất "không bình thường", thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh doanh bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền lợi của cả người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Cần điều tra dấu hiệu gian dối hồ sơ bảo hiểm, có mật ước từ cấp trên - 2

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội.

 Sau khi đọc loạt bài "Tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ" mà Dân trí phản ánh, ông Lâm cho rằng, thực tế số lượng nạn nhân có thể lớn gấp nhiều lần so với báo đề cập, thời gian đã kéo dài nhiều năm.

Hiện, nhiều người đã tham gia được 1 hoặc 2 năm mà muốn rút ra thì gần như mất trắng hoặc chỉ lấy lại được số tiền rất ít. Mà theo tiếp thì nhiều người không đủ khả năng. Những người đủ khả năng theo tiếp, nếu qua đời trong lúc hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực cũng không được bảo hiểm bồi thường vì nhiều thông tin trong hợp đồng không đúng.

"Hiện chưa thể lường hết được quy mô và ảnh hưởng của nó, cho nên các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm vào cuộc để điều tra. Nếu phát hiện sai phạm phải kịp thời xem xét, xử lý một cách nghiêm minh để bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm, cũng như bảo vệ thị trường bảo hiểm được hoạt động lành mạnh" - Ủy viên thường trực của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm, lên tiếng.

Ông Lâm nhấn mạnh, nếu có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng thì phải được xem xét, xử lý một cách nghiêm minh, dứt điểm. Lúc này, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp và kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật.

"Rất mong báo Dân trí tiếp tục truyền tải các thông tin về vấn đề này để các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước sớm vào cuộc giải quyết một cách thỏa đáng", ông Lâm tâm tư.