Tiêm liều thuốc độc thứ 3 mà tử tù chưa chết thì phải hoãn thi hành án?

(Dân trí) - Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chuẩn bị đủ 3 liều thuốc. Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra quyết định hoãn thi hành án.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Tiêm liều thuốc độc thứ 3 mà tử tù chưa chết thì phải hoãn thi hành án? - 1

(Ảnh minh hoạ).

Mới có 11 nhà thi hành án tử hình nên gặp nhiều khó khăn

Theo Bộ Công an, để triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg về phê duyệt giai đoạn 1 Đề án triển khai thực hiện thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Bộ Công an đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tại 11 công an địa phương (Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, TPHCM và Vĩnh Long).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 82/2011 đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về thuốc để phục vụ cho công tác tổ chức thi hành án tử hình. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82.

Công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc từ tháng 8/2013 đến nay đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: giao cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp nhận, giải quyết trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài được nhận hài cốt đưa về nước; chưa quy định giải quyết cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận tro cốt về mai táng.

Công an địa phương chưa có nhà thi hành án gặp khó khăn trong công tác áp giải người bị kết án tử hình đến và đưa tử thi về sau khi thi hành án tại Công an địa phương có nhà thi hành án tử hình theo khu vực Bộ Công an phân công, gây tốn kém, tăng chi phí trong quá trình tổ chức thi hành án.

“Chưa có quy định về thời gian tiêm liều thuốc dự phòng lần thứ hai, thứ ba và khi tiêm hết liều thuốc thứ ba mà người bị thi hành án chưa chết; chưa quy định trách nhiệm của của cơ quan ngoại giao, biên phòng, y tế... trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đối với người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài”- Bộ Công an nêu thực tế.

Để bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành và thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong pháp luật hình sự, phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Công an cho rằng việc ban hành Nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc (quy định chi tiết Điều 82, Luật Thi hành án hình sự năm 2019) và thay thế Nghị định số 82/2011, Nghị định số 47/2013 là cần thiết và bảo đảm yêu cầu thực tiễn.

Tiêm liều thuốc độc thứ 3 mà tử tù chưa chết thì phải hoãn thi hành án? - 2

Phòng thi hành án tử hình bằng thuốc độc ở nước ngoài (Ảnh minh hoạ).

Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chuẩn bị đủ 3 liều thuốc

Theo dự thảo nghị định, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Các thuốc dùng để gây mê; các thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp; các thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim.

Bảo quản thuốc theo điều kiện ghi trên nhãn liều thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Trang bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bao gồm: Giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án; Máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; Máy kiểm tra nhịp đập của tim; Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án; các dụng cụ và trang thiết bị khác phục vụ cho thi hành án.   

Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.

Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng); xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm; trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch.

Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng. Mỗi lần tiêm thuốc sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba.

“Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra quyết định hoãn thi hành án”- dự thảo nêu rõ.

Công an cấp tỉnh; đơn vị Quân đội cấp quân khu có trách nhiệm xây dựng nhà thi hành án tử hình và phòng làm việc của Hội đồng thi hành án để thực hiện việc thi hành án tử hình theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Nâng chế độ bồi dưỡng cho người tham gia thi hành án tử hình

Trên cơ sở kế thừa Nghị định số 82/2011, dự thảo nghị định không tăng danh mục chi mà chỉ nâng mức chi chế độ bồi dưỡng cho người tham gia Đội thi hành án tử hình được hưởng từ “hai lần” thành “ba lần” mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 1 người.

Cơ quan soạn thảo lý giải, đây là loại hình lao động đặc biệt, người làm nhiệm vụ thi hành án tử hình phải tiếp xúc với xác chết, các chất độc hại và ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý lâu dài. Do đó việc nâng chế độ bồi dưỡng sẽ động viên kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ thi hành án tử hình. 

Thế Kha