1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tích hợp vé xem bóng đá vào thẻ căn cước công dân như thế nào?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trước thềm trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản diễn ra vào tối nay (11/11), Trung tướng Tô Văn Huệ - cho biết, Bộ Công an đã tính đến phương án tích hợp thông tin vé xem bóng đá vào CCCD.

Trước đó, chiều qua (10/11), tại cuộc họp báo thông tin về vấn đề kiểm soát an ninh trật tự; phòng, chống dịch Covid-19; kiểm soát khán giả vào xem trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, diễn ra vào tối nay 11/11, ở Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Trung tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an cũng tính đến phương án tích hợp thông tin vé xem bóng đá vào căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, để tạo thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ vào sân vận động.

Liên quan đến nội dung này, sáng 11/11, trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết, sau này người dân đi mua vé xem bóng đá mà có CCCD gắn chip điện tử, khi người mua cung cấp thông tin, thông tin vé xem sẽ được tích hợp luôn vào CCCD.

Thông tin trên vé xem bóng đá chỉ mang tính chất tạm thời, khi hết hạn thì xóa bỏ thông tin này khỏi CCCD như thế nào? Trả lời băn khoăn này, Trung tướng Tô văn Huệ nói: "Về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể tích hợp được thông tin vé xem bóng đá vào CCCD. Nếu được tích hợp, khán giả đi qua cửa soát vé chỉ cần dùng CCCD để quét mã QR là hệ thống sẽ biết người này có vé hay không có vé".

Theo Trung tướng Tô Văn Huệ, tích hợp thông tin vé xem bóng đá cũng giống việc tích hợp các thông tin khác vào CCCD như: cập nhật mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19, di chuyển nội địa, giấy đi đường,...

"Ví dụ như giấy đi đường của công dân có giá trị trong mấy ngày, thì khi kỹ thuật tích hợp thông tin này vào CCCD họ sẽ cài thời gian, khi giấy đi đường hết hạn thì dữ liệu này trong CCCD cũng sẽ tự xóa. Nếu tích hợp thông tin vé xem bóng đá vào CCCD cũng sẽ tương tự như vậy. Việc này về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được, không có gì khó khăn", Trung tướng Tô Văn Huệ giải thích.

Tích hợp vé xem bóng đá vào thẻ căn cước công dân như thế nào? - 1

Khán giả vào xem trận bóng đá giữa đội Việt Nam và Nhật Bản diễn ra vào tối nay (11/11), sẽ phải dùng CCCD gắn chip để quét mã QR, nhằm kiểm soát thông tin y tế, di chuyển... (Ảnh: Nguyễn Dương).

Về việc kiểm soát thông tin y tế, khai báo di chuyển qua CCCD gắn chip, đại diện C06 cho biết, đơn vị đang phối hợp Công an TP Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Ban quản lý sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, triển khai thực hiện ứng dụng sử dụng thẻ CCCD gắn chip để kiểm soát khán giả vào sân vận động xem trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản diễn ra lúc 19h tối nay, với mục tiêu: Sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử đã tích hợp các thông tin mũi tiêm vaccine Covid-19, xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Việc tích hợp này nhằm hỗ trợ cho việc kiểm tra thông tin về CCCD, mũi tiêm, xét nghiệm của khán giả khi vào sân theo quy định của Ban Tổ chức về phòng, chống dịch Covid-19.

Do vậy, C06 đề nghị người dân trước khi vào sân cần cài đặt ứng dụng, kê khai thông tin đầy đủ, chính xác để tạo tài khoản trên ứng dụng VNEID (hoặc Website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn). Nếu thông tin mũi tiêm của công dân được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chip điện tử đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (2 mũi thì có màu xanh, một mũi thì có màu cam, chưa có thì màu đỏ).

Ngoài ra, người dân cần kê khai di chuyển nội địa trên ứng dụng VNEID (hoặc website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn). Trong đó có thông tin xét nghiệm (trường hợp mã QR chưa xanh thì công dân kê khai thông tin mũi tiêm).

"Nếu không có thẻ CCCD gắn chip điện tử hoặc không sử dụng điện thoại di động có cài ứng dụng VNEID được xác thực thông tin tiêm chủng thì cần mang theo Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thay cho thẻ CCCD gắn chip điện tử), giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19, xét nghiệm còn hiệu lực và làm thủ tục tại luồng riêng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức", đại diện C06 cho biết.

Theo đại diện C06, để đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị người dân đến sớm trước 2 giờ để làm thủ tục vào sân vận động và chấp hành nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế.

Tích hợp vé xem bóng đá vào thẻ căn cước công dân như thế nào? - 2

Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tổ chức đã bố trí 10 cửa vào sân Mỹ Đình để khán giả vào xem trận bóng đá giữa đội tuyển Nhật Bản - Việt Nam vào tối nay (11/11).

Khi công dân đến làm thủ tục vào sân xem bóng đá cần thực hiện như sau:

Luồng 1: Dành cho khán giả có thẻ CCCD gắn chip. Nếu người dân chưa có thẻ CCCD thì đề nghị Công an phường nơi thường trú cấp Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (có mã QR).

Luồng 2: Nếu công dân không có thẻ CCCD và Thông báo số định danh nhưng có sử dụng điện thoại thông minh cài ứng dụng VNEID.

Luồng 3: Dành cho người nước ngoài và công dân không sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNEID.

Khán giả cần chú ý:

Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về phòng chống dịch Covid-19. Để đảm bảo thực hiện giãn cách theo quy định và kịp thời gian vào sân đúng giờ, đề nghị người dân đến làm thủ tục vào sân trước 2 giờ đồng hồ.

Công dân phải mang theo thẻ CCCD hoặc Thông báo số định danh, Giấy xác nhận tiêm 2 mũi, Phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19 trong thời gian tối đa 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra.

Thực hiện quét mã QR CheckPoint tại các điểm trông giữ xe, các cổng vào và các nơi có dán mã.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm