"Tích cực" khóa cổng cách ly gây tâm lý e ngại cho người sắp về quê ăn Tết
(Dân trí) - Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc chính quyền "tích cực" khóa cổng cách ly người về quê gây tâm lý e ngại với người chuẩn bị về quê ăn Tết.
Chiều ngày 18/1, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến là quy định phòng chống dịch Covid-19 khi người dân về quê ăn Tết khi Tết Nguyên đán cận kề.
Qua theo dõi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận thấy mỗi địa phương quy định người dân ở các tỉnh về quê ăn Tết "rất khác nhau" và khác quy định Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo ông Tùng, quy định của Chính phủ nói rất rõ và yêu cầu thực hiện thống nhất là người tiêm đủ các mũi vaccine thì về tự theo dõi sức khỏe tại nhà, chỉ xét nghiệm một lần vào ngày đầu tiên; chưa tiêm đủ 2 mũi thì tự cách ly 7 ngày, sau đó tự theo dõi 7 ngày; chưa tiêm mũi nào thì cách ly ở nhà 14 ngày và xét nghiệm 3 lần…
"Nhưng thực tế, thực hiện ở các địa phương mỗi tỉnh, mỗi nơi một kiểu, không nơi nào giống nơi nào", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Ông cho hay, có nơi không cần biết tiêm mấy mũi, về từ vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ thì đều phải cách ly 7 ngày, nơi thì 14 ngày, yêu cầu xét nghiệm 3-4 lần.
Thậm chí có nơi còn "khóa cổng" người về quê. Cụ thể, như ở Thanh Hóa, báo chí phản ánh là khóa cổng 30 hộ dân. Hay ở Thái Bình, có trưởng thôn "tích cực quá" đã khóa cửa gia đình có người cách ly mà không quan tâm theo dõi họ sống thế nào, không đoái hoài gì cả…
"Các biện pháp thực hiện "hơi quá" so với quy định của Chính phủ và rất không thống nhất giữa các địa phương, gây tâm lý e ngại cho người dân chuẩn bị về quê ăn Tết", ông Tùng nhận xét.
Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh nêu vấn đề này để thực hiện thống nhất. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chính phủ phải quan tâm hơn để chỉ đạo vì "sát Tết rồi và đây là vấn đề người dân rất quan tâm".
Cùng vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho rằng, Chính phủ cần có chỉ đạo tổng thể bởi hiện các địa phương quy định phòng chống dịch Covid-19 rất khác nhau.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn chứng như ở vùng Tây Bắc, các địa phương thực hiện "rất an toàn", bản này sang bản kia vẫn có barie. Điều này khiến nhóm lao động chưa chính thức phải quay trở về quê ăn Tết rất sớm vì phải thực hiện cách ly 7 ngày.
Trước vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung để có văn bản gửi Chính phủ, nêu rõ các kiến nghị. Trong đó, theo ông Vương Đình Huệ, việc ứng xử của các địa phương với người dân về quê ăn Tết là vấn đề cấp bách. Ông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết.
Nông dân đã rất khó khăn, mà cán bộ ở cửa khẩu còn "nhẫn tâm" nhận tiền hàng trăm triệu đồng/xe
Theo Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri băn khoăn về tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản trong thời gian qua ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.
Cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hữu quan tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.
Cùng với đó, phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao; chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất truyền thống là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng còn chỉ ra vấn đề bức xúc nữa là nhận hối lộ ở cửa khẩu của một số cán bộ khi lợi dụng dịch bệnh, tình trạng ùn ứ hàng hóa.
"Người nông dân đã rất khó khăn do không xuất khẩu được, chi phí dồn cục ở đó rồi vậy mà họ còn nhẫn tâm nhận tiền hàng trăm triệu đồng/xe", ông Tùng đề nghị bổ sung vấn đề này đề báo cáo đầy đủ, được cập nhật.