1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủy điện Hố Hô từng bị cảnh báo về công tác phối hợp xả lũ

(Dân trí) - Trước khi Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã từng gửi công văn tới lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê và Sở NN&PTNT tỉnh này cảnh báo về mức độ an toàn đập và công tác phối hợp vận hành, xả lũ của nhà máy này.

Thủy điện Hố Hô trước khi đi vào hoạt động đã từng bị cảnh báo về an toàn đập, vận hành, xả lũ.
Thủy điện Hố Hô trước khi đi vào hoạt động đã từng bị cảnh báo về an toàn đập, vận hành, xả lũ.

Liên quan đến sự việc Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị “tố” xả lũ bất ngờ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân khu vực hạ du ngày 14/10 vừa qua, lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Hồ Bốn, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô, vẫn khẳng định đã “xả lũ đúng quy trình”.

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) đặt nghi vấn: “Nếu xả đúng quy trình mà hại cho hạ du thì không thể nói là đúng được. Bởi nếu thực sự báo trước 2 ngày thì người dân có thể tránh kịp, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm di dời dân đến nơi an toàn”.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô và chính quyền địa phương diễn ra chiều 17/10, ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - khẳng định, chính quyền huyện này không hề được thông báo về kế hoạch xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, với lưu lượng lớn khiến người dân không kịp trở tay.

Theo Tiến sĩ Tứ, hồ Hố Hô có diện tích khoảng 300 km2, dung tích khoảng 38 triệu m3 nước. Hồ này không có thiết kế “bụng” hồ làm nhiệm vụ phòng lũ cho hạ du. Tất cả các thủy điện nhỏ và vừa ở Việt Nam đều không có thiết kế phòng lũ cho hạ du, nếu có chỉ là phần nhỏ tham gia vào chống lũ, phòng lũ. Bởi thiết kế phòng lũ cho hạ du không hề đơn giản.

Tiến sĩ Tứ lấy ví dụ, ở thủy điện Hòa Bình hồ chứa lên tới 9 tỷ m3 nước, trong đó có thiết kế “bụng” hồ chứa 4 tỷ m3 nước. Khi mùa mưa lũ về, nhà máy này sẽ xả hết 4 tỷ m3 nước đó đi để hứng nước mưa lũ vào đó, từ đó làm giảm ngập lụt cho hạ du.

Được biết, năm 2010, thủy điện Hố Hô gặp sự cố tắc cửa van không xả được nước khi mùa lũ đến, khiến nhà máy bị hư hỏng nặng. Đến năm 2012, nhà máy thủy điện này lại bị gặp sự cố làm cho kè phía dưới đập bị vỡ.

Vẫn theo Tiến sĩ Tứ, hồ Hố Hô nằm trong vùng mưa nhiều, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai mưa bão. Phía hạ du lại rất nhiều dân cư sinh sống, do đó cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ lưỡng về mức độ an toàn của công trình này. Nếu cảm thấy không an toàn, không đủ năng lực phòng lũ cho hạ du cần dừng hoạt động để khắc phục ngay.

Từng bị cảnh báo về an toàn đập, phối hợp xả lũ

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam – cho biết, ngày 19/10/2009, Hội này đã có Công văn số 27CV/HĐLVN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Khê, Sở NN&PTNT tỉnh này về cảnh báo an toàn đập, công tác phối hợp vận hành, xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô.

Công văn số 27CV/HĐLVN ngày 19/10/2009 của Hội đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Công văn số 27CV/HĐLVN ngày 19/10/2009 của Hội đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Nội dung công văn nêu rõ, do đặc điểm công trình Hố Hô nằm trên đất Quảng Bình nhưng thượng và hạ lưu nó đều thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chủ công trình lại là một công ty cổ phần cho nên việc vận hành công trình cần có sự thống nhất của chủ công trình và chính quyền địa phương.

Vì công trình thuộc sở hữu của tư nhân cho nên có thể mục tiêu lợi nhuận được đưa lên trên hết, người chủ công trình có thể cho tích nước về mùa cạn để phát điện được nhiều nhất nên sẽ xảy ra trường hợp hạ lưu bị cạn kiệt. Ngược lại về mùa lũ cho tích nước đầy hồ trước khi có lũ chính vụ, đến lúc lũ to thì xả xuống hạ lưu làm mức độ ngập lụt trầm trọng thêm.

Về mặt địa chất, hai vai đập bê tông nằm trên lớp đá phiến thạch có mặt trượt hướng về phía hạ lưu rất dễ gây ra sạt trượt vai đập.

Do những đặc điểm trên nên việc quản lý vận hành trạm thuỷ điện Hố Hô phải được đặc biệt chú ý để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Công văn cảnh báo, khi công trình đã chuẩn bị bước vào vận hành, nhất thiết phải có một quy trình vận hành đảm bảo không gây ra sự thiệt hại của nhân dân ở thượng hạ lưu công trình cũng như các công trình hạ tầng của nhà nước đặc biệt là đường Hồ Chí Minh. Việc xây dựng và thực hiện quy trình vận hành phải được sự tham gia của UBND huyện Hương Khê và Sở NN&PTNT. Đặc biệt trong mùa lũ và mùa cạn khi đóng hoặc mở các loại cống để tích và xả nước trong hồ phải thực hiện đúng quy trình vận hành với sự giám sát của đại diện của UBND huyện Hương Khê.

Nguyễn Dương