1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thường trực Ban Bí thư: "Nhân dân lo lắng nhất… nạn tham nhũng"

(Dân trí) - “Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tiến hành ở quy mô lớn thì nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nói.

Ngày 12/9, Đoàn công tác của Trung ương, do ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn, đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương đánh giá, Hà Nội cũng như cả nước hiện nay đang nổi lên vấn đề cải cách, kỷ cương hành chính. “Nhiều lần các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhắc vì sao Hà Nội không xóa bỏ được câu “Hà Nội không vội được đâu”?... Đương nhiên Hà Nội là trung tâm của cả nước cho nên có nhiều mối quan hệ trên dưới, ngang dọc chằng chéo”, ông Trạc nói.

Từ quan niệm “Hà Nội không vội được đâu”, ông Trạc phân tích cụ thể, một vấn đề Hà Nội muốn thực hiện với quan điểm “rất trong sáng, rất đúng” nhưng không thể làm được vì gặp rất nhiều ý kiến phản biện, trong đó có ý kiến đúng, cũng có ý kiến chưa đúng, thậm chí cũng có những động cơ không hoàn toàn xây dựng.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí

“Đó có thể là cái khó, nhưng ngoài cái khó đó còn cái gì nữa. Cải cách hành chính như vậy đã có chuyển biến quan trọng nhưng đã đáp ứng được yêu cầu chưa, nguyên nhân vì sao, hay là vì vướng mắc chằng chịt về mối quan hệ”, Trưởng ban Nội chính đặt câu hỏi cho Thành ủy Hà Nội.

Về công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, lãng phí, Trưởng ban Nội chính nêu ra thực trạng lâu nay vẫn có xu hướng chỉ nhằm vào các vụ án lớn, không nghiêm túc ngay với các hành vi nhỏ chưa đến mức xử lý hình sự. Theo ông Trạc, tham nhũng không phải chỉ là xử lý hình sự, mà phải chú ý xử lý ngay các hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự, trong đó trường hợp nặng kỷ luật nhà nước, kỷ luật chính quyền và xử lý bằng các biện pháp kinh tế khác.

Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định Hà Nội luôn coi công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là “công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài và thường xuyên”. Theo đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch 09 (giai đoạn 2011-2015) và kế hoạch 07 (giai đoạn 2016-2020) về việc phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hà Nội đã ban hành 96 văn bản có tính chất quy phạm pháp luật quy định về vấn đề phòng chống tham nhũng và lãng phí; cũng ban hành 127 văn bản về điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức, quy chế…

“Đặc biệt, với công tác cán bộ, chúng tôi quy hoạch hệ thống cán bộ, thực hiện công tác luân chuyển và đánh giá những cán bộ làm ở những vị trí có nguy cơ, có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng hay nhũng nhiễu để có giải pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, hạn chế khả năng nhũng nhiễu”, ông Hải nói.

Cũng theo Bí thư Hà Nội, Hà Nội cũng tích cực sắp xếp bộ máy, giai đoạn trước đã giảm 4000 người, 959 chi bộ... Giai đoạn vừa qua tập trung giảm 9 đầu mối phòng ban ở Mặt trận tổ quốc, khối UBND giảm được 46 phòng ban, 26 trưởng phòng, 116 phó phòng và giảm được 121 đơn vị trực thuộc các sở ngành…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đánh giá, trong phòng chống tham nhũng, Hà Nội chú trọng cả phòng và chống và lấy phòng ngừa là chính. Vì vậy, trong những năm qua Hà Nội rất chú ý việc nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu…

“Đặc biệt là công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân được nâng lên. Theo quan sát của tôi thì kỷ cương, kỷ luật nhất là kỷ luật công vụ được tăng cường một bước, nhân dân ghi nhận. Các lời phàn nàn giảm bớt”, ông Đinh Thế Huynh đánh giá.

“Gần đây câu “Hà Nội không vội được đâu” đã giảm bớt, tôi thấy ít nghe và Hà Nội đang quyết tâm xóa bỏ bằng được định kiến này. Tôi cho đây là một định kiến và định kiến này không dễ dàng gì xóa bỏ được, nhưng đã cố gắng rồi. Theo tôi, từ 1-2 năm nữa là xóa bỏ được. Mà Hà Nội không những bình thường như các địa phương khác mà còn đi đầu trong việc cải cách hành chính, trong việc thực hiện các nguyện vọng chính đáng của nhân dân và của doanh nghiệp”, ông Huynh nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua của Hà Nội còn có những hạn chế. Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đề nghị Hà Nội có các giải pháp để kiên quyết khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là những tham nhũng, nhũng nhiễu, phiền hà gây mất lòng dân. Hà Nội cần chú trọng cả phòng và chống với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục đúng pháp luật nhằm tạo chuyển biến rõ hơn nữa về công tác phòng chống tham nhũng, để củng cố niềm tin của nhân dân.

“Trong tất cả các thăm dò dư luận xã hội hiện nay, điều nhân dân băn khoăn nhất, lo lắng nhất bao giờ cũng là nạn tham nhũng. Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tiến hành ở quy mô lớn thì nạn tham nhũng, bao giờ cũng chiếm mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Đinh Thế Huynh cho hay.

Vì vậy, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng và Đảng bộ Thành phố Hà Nội, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, phải tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Phòng chống tham nhũng thì nói ít, làm nhiều; nói đến đâu làm đến đó, thậm chí làm xong mới nói, mới công bố nhân dân biết. Chứ tham nhũng mà nói nhiều, mà làm ít thì càng mất niềm tin. Vừa rồi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo vụ nào thì làm đến nơi, đến chốn. Các cơ quan trong hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp với nhau, vướng mắc ở khâu nào thì xử lý, khắc phục ở khâu đó, không làm tràn lan. Nhưng làm với tinh thần quyết tâm cao, kiên quyết và kiên trì đạt được hiệu quả và công bố, công khai báo cáo với nhân dân”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nói.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm