Thường trực Ban Bí thư được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở và nơi làm việc

Hoài Thu

(Dân trí) - Một trong những điểm mới liên quan chế độ cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư được bảo vệ tiếp cận; bảo vệ nơi ở, nơi làm việc và được bố trí xe CSGT dẫn đường khi đi công tác, với trường hợp cần thiết.

Chiều 28/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Luật hiện hành quy định chế độ cảnh vệ đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng.

Luật hiện hành cũng quy định chế độ cảnh vệ với Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.

Thường trực Ban Bí thư được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở và nơi làm việc - 1

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (Ảnh: Phạm Thắng).

Sau khi được Quốc hội thông qua, luật sửa đổi đã bổ sung chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo đó, người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị sẽ được bảo vệ tiếp cận; bảo vệ nơi ở và nơi làm việc; được bố trí xe CSGT dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.

Luật cũng bổ sung hai đối tượng được hưởng chế độ cảnh vệ (bảo vệ tiếp cận và được bố trí xe CSGT dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết), gồm Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.

Trong khi đó, luật hiện hành chỉ quy định biện pháp cảnh vệ trên được áp dụng với Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.

Về biện pháp cảnh vệ, luật cũng sửa đổi, bổ sung cụ thể biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo đó, với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng được áp dụng các biện pháp cảnh vệ gồm: Bảo vệ tiếp cận; Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động; Kiểm tra an ninh, an toàn nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại; Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng.

Biện pháp cảnh vệ được áp dụng với các chức vụ, chức danh trên còn có: Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ; Sử dụng thẻ, phù hiệu; Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Luật quy định được áp dụng các biện pháp cảnh vệ gồm: Bảo vệ tiếp cận; Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc; Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết; Sử dụng thẻ, phù hiệu; Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Thường trực Ban Bí thư được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở và nơi làm việc - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới (Ảnh: Phạm Thắng).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị chỉ bố trí xe CSGT dẫn đường đối với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Ý  kiến khác đề nghị bổ sung đối với Thường trực Ban Bí thư, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Quốc hội trong trường hợp cần thiết khi đi dự các sự kiện đặc biệt quan trọng trong nước bằng ô tô, đồng thời đề nghị làm rõ "trường hợp cần thiết" và có hướng dẫn quy định cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải việc quy định về chế độ cảnh vệ nói chung và chế độ được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường là chính sách dành cho đối tượng cảnh vệ, trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ theo thứ tự ưu tiên đối với từng nhóm đối tượng, phù hợp với khả năng bảo đảm, điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

Việc dự thảo Luật quy định chỉ được bố trí xe CSGT dẫn đường đối với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác và đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi đi công tác trong trường hợp cần thiết được kế thừa từ các quy định trước đây và đã thực hiện ổn định trong nhiều năm, bảo đảm an toàn cho đối tượng cảnh vệ.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, việc thực hiện chế độ bố trí xe CSGT dẫn đường phụ thuộc vào phạm vi, tính chất, đặc điểm từng địa bàn hoạt động của đối tượng cảnh vệ. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức; phụ thuộc vào điều kiện như năng lực, phương tiện, tình trạng giao thông ở từng địa bàn cụ thể.

Do đó, dự thảo Luật quy định bố trí Cảnh sát giao thông dẫn đường cho nhóm đối tượng cảnh vệ này trong trường hợp cần thiết là phù hợp.