1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thưởng Tết: “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”

Người lao động thường được nhận tiền thưởng vào nhiều dịp khác nhau trong năm, nhưng có lẽ thưởng Tết Âm lịch vẫn được mọi người trông đợi hơn cả. Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, mà các doanh nghiệp liên doanh, 100% vốn nước ngoài cũng rất chú trọng tới việc thưởng Tết bởi họ hiểu “nhập gia tùy tục”.

Tiền thưởng Tết ngoài ý nghĩa là một khoản thu nhập chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền, nó còn là sự ghi nhận, là phần thưởng cho 1 năm đóng góp của người lao động đối với những thành công của đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tùy thuộc vào quyền tự chủ tài chính của doanh nghiệp mà mỗi đơn vị có hình thức thưởng Tết khác nhau.

Theo tổng hợp của Vụ Tiền lương - Tiền công, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán 2007 đạt trên 1,2 triệu đồng/người (gần bằng 1 tháng lương bình quân). Trong đó, bình quân các doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,4 triệu đồng/người, các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn Hà Nội là 1 triệu đồng/người, TPHCM là 1,69 triệu đồng/người, Đồng Nai là 1 triệu đồng/người và Bình Dương là 1,1 triệu đồng/người.

Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội thưởng Tết trung bình 1 triệu đồng/người, TPHCM là 4,134 triệu đồng/người, Đồng Nai là 1,06 triệu đồng/người và Bình Dương là 1,4 triệu đồng/người.

Trên địa bàn cả nước có không ít doanh nghiệp thưởng từ 10 triệu đồng trở lên, cá biệt có những công ty mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Các doanh nghiệp thưởng Tết cao nhất tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng công nghệ.

Điển hình như tại Công ty Motorola (Hà Nội), có nhân viên được thưởng Tết lên đến 124,76 triệu đồng; Công ty Bayer Việt Nam (Đồng Nai) 110,8 triệu đồng; mức thưởng trung bình của một công ty kinh doanh điện thoại tại Hà Nội lên tới 124 triệu đồng…

Đỉnh điểm thưởng tết là tại Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo (ITACO), ông Đặng Thành Tâm, Tổng giám đốc cho biết, mức thưởng cho trường hợp đặc biệt tại đơn vị này có thể lên đến 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cổ phần lại áp dụng thưởng Tết bằng cách chia cổ tức với tỷ lệ cao. Một số khác thưởng bằng cách thêm tháng lương thứ 13...

Có thể thấy, người lao động trong các doanh nghiệp lớn được hưởng nhiều ưu đãi, có mức lương hàng tháng cao, thưởng Tết nhiều… Nhưng ở những khu vực khác, điển hình là những công nhân trong ngành da giày, may mặc, mức thưởng còn quá thấp, trung bình chỉ có 200.000-600.000 đồng/người. Thậm chí, có người lao động đón Tết chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng.

Nói về mức thưởng Tết: “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”, theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công thì: “Chúng tôi đang nghiên cứu một cơ chế điều tiết giữa các ngành nghề và các vùng để phân tích rồi điều chỉnh về mặt chính sách, cơ chế tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Khi đó, trong quá trình cạnh tranh thu hút chất xám, việc trả lương, thưởng cho người lao động sẽ trở thành quyền lợi của doanh nghiệp”.

Tất nhiên, ai cũng hiểu để đạt được sự đồng đều trong thu nhập của người lao động là rất khó bởi đặc thù công việc ở mỗi nơi khác nhau, trình độ công nghệ, quản lý cũng như năng lực người lao động mỗi nơi một khác.

Vậy nhưng, hiện với sự chênh lệch quá lớn, đặc biệt trong việc thưởng Tết khiến không ít người phải chạnh lòng.

Theo N.Bích
VTV web