1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thực và hư giữa đỉnh Phù Vân

(Dân trí) - Nhiệt độ chỉ xấp xỉ 7 độ C, cộng với mưa xuân khiến những ngày này ở Yên Tử càng mù mịt. Dù vậy, thời tiết khắc nghiệt không làm “đóng băng” nhiệt tình du khách. Họ đổ đến đây, nhìn, nghĩ và mệt nhoài với cảm giác hư, thực khi chia tay non Yên...

Măng trúc Yên Tử sẽ chỉ còn là lời đồn?

Theo truyền khẩu của nhiều người thì măng trúc Yên Tử được xem là một trong những đặc sản khoái khẩu nhất và du khách sẽ phải rất hối tiếc nếu đến đây mà không được ăn.

Anh Đăng Khoa, giảng viên trường CĐ Du lịch Hà Nội đồng thời cũng là một hướng dẫn viên du lịch “cứng cựa”, giảng giải: Khác với măng trúc ở các vùng núi khác, măng trúc ở vùng đất Phật này có vẻ ngoài rất “sáng”, thon nhỏ và chắc nịch.
 
Măng trúc có thể xào hoặc luộc đều rất ngon và không hề có mùi hăng, không hề đắng như các loại măng núi khác. Thoạt ăn hơi chát nhưng vị chua ngọt dịu dàng còn mãi ở đầu lưỡi. Còn luộc để chấm muối vừng thì hương vị của nó vừa lạ, vừa ngon không một thứ rau, măng nào sánh được.

Đến với lễ hội Yên Tử năm nay, anh Khoa cảnh báo: Măng trúc Yên Tử “xịn” thì du khách sẽ không bao giờ còn được thưởng thức. Từ năm 2006, chính quyền địa phương đã quản lý rất chặt để người dân ở đây không còn bẻ trộm được măng đi bán.

Măng trúc được bầy bán chỉ là măng được bẻ ở vùng núi Bắc Giang, thậm chí là măng đắng của cả những thân tre to tướng ở các địa phương lân cận! Mà kể cả không cấm thì măng trúc ở Yên Tử cũng rất hiếm, những búp măng được bầy bán thực ra chỉ là măng “rởm” mà thôi!

Sở dĩ, Ban quản lý di tích Yên Tử phải nghiêm ngặt canh gác trúc vì đây là một loại cây quý, mọc rải rác trong gần 3 nghìn héc-ta rừng đặc dụng. Mỗi lần bị bẻ măng, phải vài năm sau thân trúc mới hồi phục để cho ra đợt măng mới - ông Sách, Trưởng Ban quản lý di tích chùa Yên Tử cho biết.

Trước kia, khi măng trúc Yên Tử chưa thành món khoái khẩu của thực khách thì mỗi khi mùa xuân về, dưới những cơn mưa bụi, măng giang, măng trúc, măng mai bật lên từ lớp đất ẩm ướt phủ đầy lá mục, tất cả đều thẳng tắp và nhọn hoắt tạo nên một vẻ đẹp kỳ vĩ và tràn đầy sức sống cho Yên Tử. Sức tàn phá của con người quả là ghê gớm, giờ giữ được sự tồn tại của rừng trúc “già” Yên Tử cũng là nỗ lực lắm rồi!

Đâu hồn cung nữ giải oan?

Chắc là mãi mãi chị Thu H, chuyên viên của Viện Khoa học Việt Nam không thể quên được mùa xuân năm 2005 khi chị cùng “tân lang” lên du xuân ở Yên Tử. Khi đó, chị H được bà cô trong TPHCM mách nhỏ rằng: “Muốn hoá giải mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, chỉ cần lên Yên Tử vào mùa xuân và uống chín ngụm nước ở suối Giải Oan”.

Hồi đó, chị H vừa mới lấy chồng và ở chung cùng gia đình nhà chồng trong một khu tập thể ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Chỉ vừa chung sống được hai ba tháng mà có nhiều lúc quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã lên đến mức đỉnh điểm, khi mẹ chồng chị năm lần bảy lượt bắt con trai chọn mẹ hay là chọn vợ!

“Không gì hiệu nghiệm hơn!”- chị H đã kết luận như vậy. Sau đó, năm nào chị cũng đi Yên Tử nhưng không cần phải uống nước suối Giải Oan nữa. “Vì còn phải để phần cho những người phụ nữ khác chứ không thì nước suối Giải Oan... cạn mất!”

Chị H còn khẳng định, linh hồn trong sáng của các cung nữ hơn 7 thế kỷ trước vẫn luôn bay lượn ở đây để giúp cho tất cả những thân phận phụ nữ khác(!).

Theo dòng lịch sử thì suối Giải Oan chính là nơi 300 cung nữ đời Trần đã gieo mình quyên sinh. Suối Giải Oan nằm ngay ở chân núi Yên Tử, chảy ngoằn ngoèo trên nền đá cuội và sỏi trắng. Tương truyền rằng thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm khi vào Yên Tử tu hành có 300 cung tần, mỹ nữ đi theo.

Khi đến Yên Tử, do không được thượng hoàng cho ở cùng nơi đất Phật và theo quy định hà khắc của các triều đại phong kiến, họ cũng không được phép quay về, 300 cung tần mỹ nữ đã gieo mình xuống con suối của đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan.

Còn theo lời kể của người dân nơi đây, suốt bốn mùa mưa nắng, chưa khi nào nước suối Giải Oan bị vẩn đục mà nước lúc nào cũng như lúc nào luôn trong veo như pha lê. Suối Giải Oan còn hứng nguồn nước từ suối Vàng phía tây và thác Tử phía đông Yên Tử. Suối Vàng và thác Tử đều xuất phát từ độ cao 700m cạnh chùa Vân Tiêu, chảy quanh co xuống chân núi rồi hợp dòng với nhau dưới gốc cây sung cổ thụ và đổ vào suối Giải Oan.

Không biết có bao nhiêu người phụ nữ đã có được may mắn như chị H khi uống nước suối Giải Oan? Khó mà trả lời. Còn như Lê Thị Hà Linh, sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội tâm sự thì: “Em không biết về sự tích của suối Giải Oan nhưng đến Yên Tử và soi mình trong dòng nước trong vắt róc rách ấy, em thấy thư thái biết bao. Dường như mọi muộn phiền đều tan biến theo dòng nước hết”.

Và túi tiền ngày một... nhẹ đi

“Nếu như những năm đầu 2000, du khách muốn vãn cảnh Yên Tử phải mất ít nhất là 2 ngày mới có thể đỡ “thòm thèm” cảm giác khám phá một di tích được coi là một trong những đệ nhất kỳ quan của Việt Nam thì nay, chỉ trong vòng một ngày, từ 8h sáng đến 8h tối là có thể biết được từ A đến Z Yên Tử!”- ông Long, trưởng một đoàn du lịch đến từ Biên Hoà (Đồng Nai) khẳng định với khách hàng của mình như vậy.

Quả thật, từ năm 2002, Yên Tử có tuyến cáp treo đầu tiên, và đến năm 2007, lại thêm một tuyến cáp treo nữa đã tiết kiệm được rất nhiều sức khoẻ cho du khách, thay vì 2 giờ leo núi, giờ họ chỉ mất khoảng 6 phút. Nhưng bù lại, túi tiền của họ đã nhẹ hơn nhiều khi du xuân Yên Tử. Cách đây khoảng 2 năm, giá vé cáp treo hai lượt chỉ là 45.000đ thì nay con số này đã tăng lên 180.000đ.

Không chỉ túi tiền nhẹ đi mà họ còn phải “mua” thêm cả sự chờ đợi trong chen chúc để xếp hàng mua vé đi cáp treo!

Bà Trần Thị Nhẫn, một khách hàng trong đoàn đi của ông Long than thở: “Leo núi thật tự do tự tại biết bao nhiêu. Tuy mệt một chút nhưng nếu vừa đi vừa “Nam mô adi đà phật” thì cũng tiêu tan hết, lại được vãn cảnh núi non. Cứ đứng đợi hoài mua vé, leo lên thì vèo một cái đã đến nơi, chẳng kịp nhìn ngắm gì nghĩ cũng uổng!”

Còn bà Hoa ở phố Khâm Thiên, Hà Nội khi đến du xuân Yên Tử trong ngày 11 tháng Giêng vừa qua đã phải ấm ức mãi vì phải móc túi trả cho việc khấn thuê 100 nghìn! Không phải bà Hoa không biết khấn mà vì bà đã già, không chen chân nổi nên bị người khấn thuê “đánh bật” ra!

Lèo nhèo mặc cả trả tiền “cố tình khấn thuê” trước cửa Phật thì không đành lòng nên bà Hoà đành phải bấm bụng nhịn mà tức anh ách vì đã thế, những câu khấn của họ lại khiến bà Hoa phát bực. “Ai lại đi khấn tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt! Gì mà keo bẩn thế! Tiền ra nhỏ giọt thì xã hội không phát triển được à!”

Dù vậy, đến lễ hội Yên Tử năm nay, du khách cũng cảm thấy khá hài lòng. Con đường rẽ vào từ quốc lộ 18A năm trước còn ngổn ngang đất đá nay đã được đổ nhựa phẳng lỳ vào đến tận khu di tích danh thắng Yên Tử.

Tuyến đường bộ từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng cũng đã được mở rộng, thiết lập tay vịn để bảo đảm an toàn cho những du khách không muốn đi bằng cáp treo. Đoạn đường từ bãi An Kỳ Sinh lên chùa Đồng cũng đã được xây kè, lát bậc để tránh trơn trượt.

Hai bãi đỗ xe dành cho xe mô tô và ô tô tại chân chùa Giải Oan được mở rộng gấp gần 2 lần bến xe cũ và được quy hoạch trật tự...

Giữa hai bờ hư thực, cũng như chúng tôi, du khách hẳn là sẽ rời Yên Tử trong cảm giác mê say của hương vị Ngày qua xuân chửa nồng/ Gần xa mây núi ngất/ Muôn việc nước trôi nước/ Trăm năm lòng nhủ lòng... (thơ Trần Nhân Tông)

Lê Châu