Múa cổ Bài Bông khai hội Yên Tử
(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 6 tháng tập luyện, điệu múa cổ Bài Bông (ra đời cách nay khoảng 650 năm) chính thức được công diễn vào dịp khai hội Yên Tử. Khoảng 50.000 lượt khách hành hương đã về đất tổ Thiền trong ngày khai hội.
Trong 9 ngày Tết vừa qua, Yên Tử đón khoảng 150.000 lượt khách và dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 1 triệu người hành hương về đây.
Khu di tích Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công (Uông Bí).
Khu này là nơi vua Trần Nhân Tông (giữa thế kỷ 13) đến tu hành sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm, môn phái Phật giáo mang đặc trưng tinh thần phụng đạo yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Đến với Yên Tử, các tăng ni, phật tử và du khách được chiêm ngưỡng ngôi chùa đúc bằng đồng nguyên chất đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc trên đỉnh non thiêng Yên Tử, ở độ cao 1.068 mét so với mặt nước biển.
Và năm nay, việc phục dựng lại điệu múa cổ Bài Bông càng tăng thêm nét đặc sắc cho lễ hội danh tiếng này. Việc phục dựng có sự đóng góp rất nhiều công sức của nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức - một trong những nghệ sĩ múa còn lại trong đội múa Bài Bông ở thế kỷ trước.
Điệu múa với tiết tấu chậm, khoan thai kết hợp với quạt và đôi đèn hoa sen trên vai cùng dáng vẻ cung kính cho người xem cảm thấy thư giãn và đôi chút huyền bí.
Các bước di chuyển nhẹ nhàng, trang phục cầu kỳ tinh xảo. Việc may trang phục của điệu múa này tốn khá nhiều công sức - khoảng 6 tháng, một số chi tiết do không đặt làm được nên phải tự gia công lấy bởi chính những người phục dựng điệu múa.
Xuất xứ và niên đại chính xác của múa Bài Bông đến nay vẫn đang được xác định tiếp, tương truyền thì điệu múa có từ thời nhà Trần và được mệnh danh là “nhã nhạc đế vương thịnh điên nhất trong nhạc giới”.
Trong xu hướng hội nhập ngày nay, giữ cho “không hòa tan” với thế giới nhất là trong lĩnh vực văn hóa là thực sự cần thiết.
Múa Bài Bông dù có xuất xứ thời gian là bao lâu chăng nữa thì việc phục dựng nó, lưu giữ nó cũng cho chúng ta thấy tâm huyết của những người yêu môn nghệ thuật này, chính nhờ có họ mà kho tàng văn hóa sẽ không mất đi một môn nghệ thuật dân gian truyền thống.
Hữu Nghị