Thực tế kinh hoàng quanh những bãi rác
(Dân trí) - “Nước ở đây bị nhiễm phèn nặng, không thể uống được. Nước từ các con mương chảy ra đen kịt, trâu bò không dám uống, cá thì chết hết”, ông Phạm Văn Liên phường Hoà Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng, người sống gần khu bãi rác Khánh Sơn cho biết.
Ổ gây bệnh
Bãi rác Khánh Sơn là bãi rác chính của Tp Đà Nẵng đặt tại thôn Khánh Sơn, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách trung tâm thành phố 17 km về phía Tây và được vận hành từ năm 1991. Từ tháng 12/2006, bãi rác Khánh Sơn cũ đã đóng cửa, một bãi rác mới liền kề ngay lập tức đã đi vào hoạt động.
Nhưng chính bãi rác Khánh Sơn cũ là nguyên nhân gây nên sự ô nhiễm trầm trọng. Bãi rác này có sức chứa trên 1 triệu tấn rác với bể phốt xử lý nước rỉ, nhưng 15 năm nay chưa được nạo vét gây ô nhiễm cao. Trong đó, hai thôn chịu tác động nhất chính là thôn Khánh Sơn và thôn Cẩm Nê (huyện Hoà Vang). Bãi rác mới thì không có hệ thống chứa nước rỉ nên tuy mới đưa vào khai thác đã bốc mùi hôi thối rất trầm trọng.
Nước sinh hoạt của hơn 300 hộ dân sát bãi rác còn có mùi hôi tanh. Hai năm trở lại đây xuất hiện lớp váng, nước vẩn đục, nạn côn trùng ruồi muỗi phát sinh mạnh. Ông Phạm Văn Liên, tổ trưởng tổ 5 Khánh Sơn cho biết: “Nước ở đây bị nhiễm phèn nặng, không thể uống được. Nước từ các con mương chảy ra đen kịt, trâu bò không dám uống, cá thì chết hết”.
Bãi rác Gò Cát của TPHCM nằm trong địa phận Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân tập trung hàng nghìn hộ sống ngay dưới chân bãi rác. Lượng bãi rác ở đây ước tính khoảng 4,5 triệu tấn cũng đã gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.
Đặc biệt, do nạn ruồi muỗi hoành hành, trẻ con sống ở ngay dưới chân khu bãi rác thường bị sốt xuất huyết. Ruồi muỗi và các loại côn trùng khác ở đây có dấu hiệu kháng với thuốc diệt côn trùng thông thường. Người dân sống ở đây hay bị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, chủ yếu viêm xoang, trẻ em bị viêm phế quản. Thậm chí, có những gia đình cả nhà bị viêm xoang do hít thở phải không khí bị ô nhiễm từ bãi rác.
Ô nhiễm vẫn muốn xông vào!
Rõ ràng, trước thực tế hiện nay, môi trường, sức khoẻ và cuộc sống người dân sống gần khu vực bãi rác đã và đang bị đe doạ. Một báo cáo nghiên cứu mới nhất do viện những vấn đề phát triển (VIDS) thực hiện dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Phần Lan đã chỉ ra rằng: Mức hỗ trợ độc hại cho người dân sinh sống dưới chân bãi rác là 1.000 đồng/người/ngày (tại bãi rác Gò Cát) và cho những hộ trong vòng bán kính 500m từ tâm bãi rác là 40.000 đồng/tháng (tại bãi rác Nam Sơn) là quá thấp.
Số tiền này thậm chí không đủ để mua nước sạch dùng vào việc nấu ăn, uống hàng ngày, nói gì đến chuyện bồi dưỡng sức khoẻ hoặc khám chữa bệnh cho người dân chịu tác động độc hại từ ô nhiễm trực tiếp của bãi rác. Người dân tại khu vực Bãi rác Khánh Sơn, bãi rác được coi là ô nhiễm nhất thì còn chưa được hỗ trợ gì cả.
Ngoài ra, việc khám chữa bệnh cho những người dân sống gần khu vực bãi rác vẫn chỉ mang tính hình thức, việc phun thuốc diệt côn trùng không thường xuyên, không đúng liều lượng nên nạn ruồi muỗi vẫn hoành hành, dù hàng năm nhà nước đã chi hàng tỷ đồng cho việc này.
Trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp xử lý rác thải hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm thì người dân còn được chính quyền hứa hẹn rồi lại không thực hiện khiến tình hình ngày càng phức tạp. Cũng tại báo cáo nghiên cứu trên cho thấy, nhiều người dân bất chấp kỷ cương, từ các địa phương khác kéo đến ngày càng đông sinh sống tại chân bãi rác, không sợ ô nhiễm hoặc có tâm lý chờ “đền bù”.
Đã vậy, vai trò quản lý bãi rác lại chưa được nghiêm túc. Ban quản lý bãi rác Nam Sơn đã để cho người dân tự do vào bãi bới rác (thu phí 1000 đồng/lượt) gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bằng chứng là có người đã lấy được bình thuốc sâu về rửa tại ao hồ để sử dụng, đã làm cá chết và gây ô nhiễm nước ao hồ.
Rõ ràng, vấn đề môi trường xung quanh các bãi rác hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân và rất cấp thiết. Nếu chính quyền chậm “ra tay” bao nhiêu thì môi trường càng ô nhiễm bấy nhiêu. Câu chuyện từ vụ Vedan là minh chứng điển hình cho sự thờ ở của các cấp chính quyền đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.
Lan Hương