Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sáp nhập huyện, xã vào quý III
(Dân trí) - Cùng với xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hoàn thành việc sáp nhập huyện, xã vào quý III.
Nhiệm vụ này được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt khi phát biểu kết luận phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chiều 2/2. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong năm qua, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến rất tích cực, kết quả đạt được toàn diện.
Đầu tư cho cải cách là đầu tư cho phát triển
Thủ tướng Chính phủ nêu 8 kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách hành chính, như: Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản.
Một số chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực, địa phương đã được thông qua như chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; 100% bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ; chất lượng giải quyết thủ tục có nhiều cải thiện; 100% địa phương đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành…
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, là việc các cơ quan đã ban hành quy định mới về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; bỏ thi thăng hạng viên chức…
Cải cách tài chính công được quan tâm. Thủ tướng cho biết nhờ chính sách này, thu ngân sách Nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026…
Nhấn mạnh đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu tổ chức cải cách hành chính trên 6 lĩnh vực.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh.
Cải cách thủ tục hành chính, phải tập trung cho đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Cải cách chế độ công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức, trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Trong cải cách tài chính công cần tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên; cơ cấu lại theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực tham nhũng trong thực hiện tài chính công.
Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành phải ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết...
Cùng với việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ, Thủ tướng quán triệt kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
"Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III năm 2024", theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Cả nước tinh giản biên chế 84.140 người
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh; các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định.
Cùng với đó, có 9 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 49.26%. Đến nay, đã có 22/22 bộ, ngành đã xác định và công bố 1.372 thủ tục hành chính nội bộ; 63/63 địa phương công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, báo cáo nêu dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021; tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63%.
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn.
Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người. Trong đó ở Trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người.