Thủ tướng yêu cầu báo cáo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương hoàn thành báo cáo đầu tư Dự án đầu tư và xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHK), tỉnh Đồng Nai, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8 tới đây.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT phải phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo đầu tư Dự án này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2012.
Theo Quy hoạch, CHK quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất 5.000 ha, nằm trên địa bàn các xã Long Phước, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Bàu Cạn và Cẩm Đường. Cảng có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá/năm.
Được biết, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam. Dự kiến, CHK quốc tế Long Thành sẽ bắt đầu được đầu tư xây dựng từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành, đưa giai đoạn 1 vào khai thác trong năm 2020.
Trước đó, Bộ GTVT đề xuất dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn như sau:
Từ 2015- 2020: Tổng mức đầu tư trong giai đoạn này dự kiến lên tới hơn 6.744 triệu USD.
Đầu tư xây dựng 2 đường hạ cất cánh, đường lăn, khu đậu máy bay, nhà ga hành khách với công suất 25 triệu lượt khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm; khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu công nghiệp hàng không, khu phụ trợ.
Hai đường cất hạ cánh trên có thể tiếp nhận các máy bay chở khách loại lớn nhất hiện nay như Airbus A380 và sân đậu máy bay có 34 chỗ.
Sau khi đưa vào khai thác, Long Thành sẽ thay thế sân bay Tân Sơn Nhất để trở thành sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam và trung tâm trung chuyển khách lớn trong khu vực.
Từ 2020 - 2030: sẽ có ba đường cất hạ cánh, hai nhà ga công suất 50 triệu khách/năm, ga hàng hoá 1,5 triệu tấn/năm.
Sau năm 2030: sân bay Long Thành gồm bốn đường cất hạ cánh song song với mỗi đường dài 4.000m và rộng 60m, và bốn nhà ga tổng công suất đạt 100 triệu khách/năm, ga hàng hoá công suất 5 triệu tấn/năm.
Bộ GTVT cho biết, sau khi sân bay Long Thành hoàn thành và bắt đầu khai thác, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2035, Long Thành sẽ khai thác 90% thị phần các đường bay quốc tế và 20% đường bay quốc nội; sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 10% quốc tế và 80% quốc nội.
Sau năm 2035, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể để quyết định mức độ hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất với tính chất, quy mô hợp lý và là sân bay dự phòng.
Quỳnh Anh