Thủ tướng: Xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

Hoài Thu

(Dân trí) - Mục tiêu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập là xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, để tới năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - chúng ta có nhà máy điện hạt nhân.

Dấu mốc đến năm 2030 Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân là một mục tiêu cụ thể được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đề cập khi chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần khẩn trương triển khai công việc, vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Theo ông, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân đã rất rõ, trong đó có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 con số thì tăng trưởng điện phải 15-18%.

Thủ tướng: Xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, theo Thủ tướng phải có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, trong đó có lĩnh vực công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, gồm điện hạt nhân, y học hạt nhân…

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ mục tiêu xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, từ đó xác định lộ trình, công việc của từng năm để tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta có nhà máy điện hạt nhân.

"Có mục tiêu, lộ trình rồi thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó", Thủ tướng quán triệt và yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Thủ tướng: Xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm - 2

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chỉ đạo một số việc cần làm ngay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2.

Về nhân lực, hiện Việt Nam đã có khoảng 400 nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, Thủ tướng giao EVN và các cơ quan cần tập trung ngay đội ngũ nhân lực này, đồng thời xác định rõ nhu cầu đào tạo và báo cáo, đề xuất ngay.

Cùng với đó, theo lãnh đạo Chính phủ, phải hình thành tổ chức chuyên trách, chuyên nghiệp để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân này và chuẩn bị cho các dự án khác trong tương lai.

Ông cũng lưu ý cần rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực…

Về nhiệm vụ chuẩn bị hạ tầng, Thủ tướng giao Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư… để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). Cùng với đó, cần chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, thể thao… để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy và phục vụ đội ngũ nhân lực triển khai dự án.

Thủ tướng: Xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm - 3

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận phát biểu (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong triển khai hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); Ninh Thuận đề xuất và triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án.

Nhấn mạnh coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai các công việc và chuẩn bị cho phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo dự kiến trong trung tuần tháng 2.

Trước đó, ngày 10/1, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 72 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh và hiệu quả; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam để báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai thực hiện đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhiệm vụ được giao.